Giá điện tháng 5, 6 tăng cao bất thường khiến dư luận không khỏi bức xúc, khi mà chính ngành điện lên tiếng hỗ trợ giá điện cho người dân, DN trong các tháng 5,6,7/2020.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu EVN làm rõ vấn đề này, nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm khắc.
Tiền điện vọt cao dù có hỗ trợ
Là gia đình công nhân vào diện thu nhập thấp, gia đình anh Nguyễn Văn Lộc (Hoài Đức, Hà Nội) bình thường chỉ sử dụng hết khoảng 400.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Thậm chí có tháng, gia đình anh chỉ hết khoảng 200.000 đồng vì hai vợ chồng đi làm cả ngày chỉ tối về mới sử dụng một số vật dụng chạy điện, điều hòa còn không có. Thế nhưng trong tháng 6, hóa đơn tiền điện của gia đình anh Lộc bỗng nhảy vọt lên tới hơn 800.000 đồng, gấp đôi so với tháng trước và gấp hẳn 4 lần so với những tháng đầu năm.
Không chỉ gia đình anh Lộc, nhiều khách hàng khác cũng đang kêu trời vì hóa đơn tiền điện bỗng dưng bật tăng chóng mặt. Chị Trần Thu Hằng (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) cho hay, chưa bao giờ thấy tiền điện lại tăng vọt lên gần 4 triệu đồng như hóa đơn mà ngành điện gửi cho gia đình chị mới đây. Theo chia sẻ của chị Hằng, kể cả tháng cao điểm sử dụng điện, hóa đơn nhà chị cũng chỉ lên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng là cùng.
“Tháng 5, cũng nắng nóng và gia đình tôi cũng sử dụng điều hòa với cường độ cao như tháng 6 nhưng không hiểu sao hóa đơn tiền điện của tháng 5 và tháng 6 lại chênh lệch cao đến như vậy, nhảy lên thêm tận hơn 1 triệu đồng. Rõ ràng cả tháng 5 và tháng 6, người dân đều được hưởng chương trình hỗ trợ giảm giá điện do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vậy mà con số trong hóa đơn 2 tháng hoàn toàn khác nhau và chênh ở mức chóng mặt” – chị Hằng nói và bày tỏ thái độ nghi vấn về tính chính xác trong cách ghi công tơ điện của ngành điện hiện nay.
Chưa hết, ngày 22/6, liên quan đến thông tin về hộ gia đình khách hàng Đào Thị Gái, (thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) kiến nghị về việc sản lượng điện tiêu thụ tháng 6/2020 tăng cao đột biến với số tiền lên tới 89.350.496 đồng, Công ty Điện lực tỉnh Quảng Ninh cũng đã phải lên tiếng xin lỗi khách hàng vì sự cố sai sót trong chỉ số đo đếm công tơ của khách hàng này. Theo Công ty Điện lực Quảng Ninh, qua kiểm tra, rà soát, Công ty khẳng định đây là sai sót của Điện lực Vân Đồn. Cụ thể: Công tơ đo đếm điện năng của gia đình bà Gái là công tơ điện tử đo xa, chốt chỉ số bằng thiết bị cầm tay HHU. Do thời tiết ngày 15/6/2020 có mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.
Dư luận nghi ngờ tính minh bạch
Về một số sự cố sai sót, mặc dù chính ngành điện đã lên tiếng và thừa nhận, song dư luận xã hội không khỏi đặt ra những nghi vấn về tính minh bạch của ngành này thời gian qua. Rõ ràng không chỉ một vài khách hàng của EVN bức xúc vì giá điện vọt tăng trong hai tháng 5 và 6 mà chính bản thân ngành điện cũng đang bộc lộ những bất cập trong việc sản xuất, kinh doanh của mình.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, dư luận xã hội, người dân, DN hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của nhà đèn trong câu chuyện về hóa đơn tiền điện những ngày gần đây. Khi mà liên tục hàng loạt khách hàng kêu ca về việc hóa đơn tiền điện bị tăng cao gấp 2,3 lần, thậm chí là nhiều lần.
Ông Thịnh lý giải, chúng ta biết, thời gian trước đây (tháng 3,4/2020) khi giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tất cả trẻ em người lớn đều nghỉ ở nhà, việc sử dụng điện sẽ gia tăng thế nhưng chỉ số dùng điện vẫn thấp hơn và chi phí dùng điện cũng thấp hơn nhiều. Bắt đầu từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2020, tất cả các cơ quan đơn vị đều trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, học sinh đi học, người lớn đi làm… vậy mà hóa đơn tiền điện lại tăng chóng mặt, như vậy dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về cách làm việc của ngành điện. Thứ nữa, cũng trong thời gian tháng 5 và 6, một số khu vực được nhà đèn thay công tơ mới, như quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngay lập tức thấy giá điện bị đội lên.
“Rõ ràng người ta sẽ nghi ngờ về việc thay công tơ để dẫn đến những thay đổi về chỉ số như đã thấy”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói đồng thời cho rằng, việc EVN nói sẽ giảm giá điện để cùng chung tay với dân, DN chống dịch Covid -19, nhưng thực chất cũng giống như những sản phẩm khuyến mại, hạ giá chỗ này lại tăng giá chỗ kia. Ông Thịnh cũng đặt câu hỏi về cách ghi chỉ số công tơ của EVN hiện nay, trong thực tế đã có nhiều vụ việc về đo nhầm công tơ, đo không đúng ngày, điện tính giá theo bậc thang, vì vậy nếu ngành điện đo chỉ số công tơ muộn hơn tháng trước chỉ vài ngày thì đương nhiên giá sẽ bị đội lên. “Do đó cần phải xem lại cách làm việc của ngành điện”, ông Thịnh nói.
Cũng bức xúc và nghi ngờ tính thiếu minh bạch của EVN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, cần phải có tổ chức giám sát độc lập để giám sát nhà đèn từ việc xem chỉ số công tơ đến những hoạt động khác của EVN. “Thủ tướng đã yêu cầu EVN phải giải trình về vấn đề này, quả bóng đang ở phía EVN, EVN cần có ý kiến một cách cụ thể, rõ ràng và minh bạch”, ông Doanh nhấn mạnh.
Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, không chỉ thiếu minh bạch trong cách xem chỉ số công tơ, kể cả cách tính giá điện theo bậc thang 6 bậc như hiện nay cũng có vấn đề. Bởi ngành điện đưa ra mức thấp nhất là 50kWh mới được hưởng giá thấp là quá bất hợp lý, vì hiện nay kể cả hộ gia đình nghèo nhất cũng phải sử dụng các thiết bị điện tối thiểu và mức tiêu thụ điện sẽ phải vượt quá 100 kwh. Với cách tính như hiện nay, bậc thang thứ 6 phải trả giá quá cao, như vậy trời càng nắng nóng, nhà đèn càng có cơ hội “móc túi” người dân, DN.
EVN cho biết, ngay sau khi cơ quan báo chí phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…, EVN đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực nghiêm túc thực hiện các nội dung sau: Kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số; Kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí kết quả kiểm tra, xử lý các ý kiến phản ánh sai chỉ số công tơ; Thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng).