Việc Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná (Ninh Thuận) được Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều chuyên gia đã “vào cuộc”, đưa ra những phân tích mạnh mẽ. Tất nhiên, trước một sự vụ lớn thì ý kiến khác nhau, kể cả trái ngược, cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, Dự án này được “chấm” trong lúc “bão” Formosa hủy hoại môi trường biển Bắc miền Trung vẫn chưa xử lý xong.
Dự án Hoa Sen Cà Ná cũng lại là thép, công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm, mức đầu tư hơn 10,6 tỉ USD. Tâp đoàn mang tên một loài hoa rất đẹp là hoa Sen bỏ tiền tấn ra làm thép, là câu chuyện hay; nhưng sự quan ngại của dư luận cũng không thừa. Lo nhất là vấn đề môi trường, liệu lại có bị hủy hoại hay không. Chuyện thế giới đang ế thừa thép nói gì thì nói vẫn là chuyện của doanh nghiệp, không giống như môi trường là vấn đề chung của xã hội.
Trấn an dư luận, ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cam kết tại một hội nghị xúc tiến đầu tư tại Ninh Thuận rằng: “Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển. Nếu nhà máy của Hoa Sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước”.
Sau đó, cũng chính ông Vũ khẳng định ở một diễn đàn khác rằng môi trường phải được đặt lên trên sự phát triển, đó là vấn đề chắc chắn.
“Nhưng không phải vì vấn đề môi trường mà chúng ta không phát triển, đó là hai khía cạnh rất rõ ràng… Chúng tôi khẳng định sẽ làm Dự án này với tất cả lương tâm, với đầy đủ trách nhiệm của chúng tôi. Làm sao vẫn bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước”.
Nhà máy chưa thành hình và tất nhiên chưa đi vào hoạt động thì cũng chưa biết ra thế nào... Nhưng nói như giới chuyên gia, khi nhà máy vận hành, xả thải ra môi trường thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải được kiểm soát kỹ. Nếu không, sự đền bù lớn tới đâu đi chăng nữa cũng không thể lấy lại được sự trong sạch của môi trường.
Trong tình thế bắt buộc phải đóng cửa nhà máy thì những người liên quan sẽ tổ chức cuộc sống của bản thân và gia đình ra sao? Không thể biết trước điều gì đang đợi mình ở cuối đường hầm.
Ninh Thuận- vùng đất nắng gió dữ dội nhất nước, nơi lượng mưa trung bình hàng năm thấp nhất nước, tình trạng sa mạc hóa gia tăng; đời sống nhiều hộ dân khó khăn- thì việc đầu tư phát triển là đáng trân trọng. Nhưng, cảnh báo không bao giờ thừa, bởi từ Hoa Sen đến Thép là con đường rất xa.