“Thời kỳ ấy, khi các họa sĩ còn đang chật vật để có tuýp sơn dầu, hay chắt chiu từng giọt màu vẽ, thì họa sĩ Lưu Công Nhân đã có những tuýp màu từ Anh, Pháp, và dùng thoải mái.
Ngay khi ra trường, họa sĩ Lưu Công Nhân đã chọn con đường trở thành một họa sĩ tự do, không làm bất cứ công việc gì liên quan đến tổ chức nhà nước. Gia đình kinh tế khá giả, cũng là điều kiện thuận lợi để họa sĩ Lưu Công Nhân dành hết cuộc đời chỉ vẽ, đạt những thành tựu mỹ thuật và thành danh từ rất sớm. Có thể nói, họa sĩ Lưu Công Nhân là “Hoàng tử của giới mỹ thuật”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; kiêm Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) - kể lại với tôi trong buổi sáng xuân se lạnh, đầy nắng, khi tôi hỏi ông về họa sĩ Lưu Công Nhân, nhân dịp triển lãm tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân chuẩn bị diễn ra, vào mồng 9 Tết (24/2), tại Sài Gòn:
“Tôi và họa sĩ Lưu Công Nhân biết nhau theo cách là đồng nghiệp, ông là thế hệ cha chú. Đôi khi gặp nhau tại một số triển lãm, hoặc ngồi uống nước cùng nhau. Dù không phải là bạn tâm giao chí cốt, nhưng mỗi lần gặp gỡ, cũng đủ cho tôi những cảm nhận về con người họa sĩ.
Ông là người rất hào hoa, lịch lãm, đúng cốt cách của một trí thức thành thị, mặc dầu họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ rất nhiều về cảnh vật, thôn nữ, con người nông dân. Ông là người nhẹ nhàng, lịch lãm, nói chuyện nhỏ nhẹ mà cũng rất thẳng thắn khi nhận xét về nghệ thuật”.
Họa sĩ Lưu Công Nhân sinh ngày 17/8/1930 tại Phú Thọ, mất ngày 21/7/2007 tại Đà Lạt. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến Việt Bắc, niên khóa 1950 - 1953 (Còn gọi là Khóa Mỹ thuật Kháng chiến chống Pháp, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký thành lập trường). Danh họa Tô Ngọc Vân là Hiệu trưởng. 22 học viên được tuyển chọn qua hai kì thi, cùng một số sinh viên từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương về theo học.
Để duy trì được hoạt động của trường thời gian này vô cùng khó khăn, theo lời kể lại của họa sĩ Tô Ngọc Thành (con trai của danh họa Tô Ngọc Vân), danh họa Tô Ngọc Vân “đã phải vét vàng của gia đình để nuôi trường, nuôi văn phòng và nuôi sinh viên”.(…) Bà Nguyễn Thị Hoàn (vợ họa sĩ Tô Ngọc Vân) lúc ấy dưới bom đạn và dây thép gai của địch đã cố vào tận Hà Nội để vay vàng của họ hàng đem ra kháng chiến duy trì hoạt động của trường. Đến năm 1960 những người họ hàng đến đòi nợ. Bà Hoàn vì ông Vân mất, phải nuôi năm người con và mẹ ông Vân 90 tuổi, không có vàng trả, bị chủ nợ chửi bới và đẩy ngã trên sàn gạch gãy hết cả hàm răng”.
Mặc dù gian nan chất chồng như vậy, song với nỗ lực yêu nghề, yêu trò đầy hi sinh của danh họa Tô Ngọc Vân, nhiều họa sĩ từng là học viên của trường, đã trở thành những danh họa có nhiều đóng góp lớn lao cho Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Mai Long, Lê Lam, Lê Huy Hòa, Linh Chi, Trần Đông Lương… và họa sĩ Lưu Công Nhân.
Cũng theo ký ức của họa sĩ Tô Ngọc Thành: “Lưu Công Nhân là một học viên có học lực cao nhất. Tô Ngọc Vân rất yêu mến anh và từng nói với Nguyễn Tư Nghiêm: “Đốt đuốc mới đi tìm được một Lưu Công Nhân”. (…) Tô Ngọc Vân có viết trong nhật ký: Lưu Công Nhân là tuổi trẻ của ta hiện về”.
Viết về Họa sĩ Lưu Công Nhân, Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng:
“Ông là một người cao lớn, tài hoa, duyên dáng, học thức và lịch duyệt như chỉ có trong thơ và truyện trữ tình. Có một nền tảng gia đình sung túc, một lý lịch chính trị quá sáng, học vấn bậc nhất trong những đồng môn và chăm chỉ vô cùng. Và trên hết, ông có tài hội họa như trời cho thật. Tay nghề ông sớm vào bậc cao thủ. Nhưng con đường ông đi không như trải thảm. Vẫn chông gai bởi ông ham tự làm con đường của mình”.
Họa sĩ Lưu Công Nhân rất cần mẫn trên con đường hội họa tự do mà ông đã chọn. Ông xê dịch nhiều nơi để tìm cảm hứng cho mình, từ Phú Thọ, đến Hội An, Hà Giang, Đà Lạt rồi Sài Gòn... Bất cứ nơi đâu ông cũng có xưởng vẽ, và dừng chân để vẽ.
“Cá tính sáng tạo của họa sĩ Lưu Công Nhân hình thành rõ nét và rất mạnh. Có lẽ bắt đầu từ việc ông được học hỏi từ thầy của mình, danh họa Tô Ngọc Vân, trong một không gian tự do của cảnh rừng thiên nhiên, trong lán trại tranh tre, vẽ ngoài trời, không bị đè nặng bởi trường quy. Đây là kết quả rất hay cho việc giáo dục, đào tạo mỹ thuật”.
Họa sĩ Vi Kiến Thành hồi tưởng và chia sẻ:
“Họa sĩ Lưu Công Nhân tính cách rất tự do phóng khoáng, là người hào hoa, ưa thích giao du đây đó, vẽ rất thoải mái, mọi thứ đến với họa sĩ thuận lợi.
Ông không phải bận tâm về kinh tế, vì vợ ông là một dược sĩ, cũng sinh ra trong một gia đình khá giả.
Họa sĩ Lưu Công Nhân sáng tạo trên nhiều chất liệu và thể loại, nhưng nổi bật nhất là sơn dầu và màu nước.
Về tranh sơn dầu, ông Lưu Công Nhân được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua hai bức tranh khổ lớn. Bức “Hành quân”, khổ 130x97cm, sơn dầu trên vải, vẽ năm 1950. Một bức nữa tên là “Một buổi cày” khổ 82x105cm, sơn dầu trên vải, vẽ năm 1960.
Trong tất cả các bức tranh mà họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ, tôi đặc biệt thích và ấn tượng bộ tranh vẽ về Hội An trong thời gian ông sống tại Hội An. Với tôi, đó là bộ tranh “đỉnh cao”. Họa sĩ Lưu Công Nhân hoàn toàn làm chủ chất liệu và rất chủ động khi đặt từng nét bút. Với độ loang của màu nước rất hòa hợp với tính chất lãng mạn, bay bổng, u buồn của phố cổ Hội An. Toát lên cả không gian là sự thâm trầm sâu lắng, nhưng vẫn lấp lánh sáng từ những vạt màu nắng rất đẹp trong các ngõ, ngách phố Hội. Với bộ tranh miêu tả Hội An rất điêu luyện đến tuyệt vời, Họa sĩ Lưu Công Nhân quả là “bậc thầy tranh màu nước”.
Cũng về tranh màu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân, họa sĩ Tô Ngọc Thành nhận xét:
“Anh thành đạt về tranh màu nước, vẽ trực họa rất điêu luyện. Màu của anh rất ngon, nhuyễn và đầy gợi cảm, có nhiều chất của hội họa”.
Trong chuyến đạp xe xuyên Việt năm 2016, Nhà văn Phạm Ngọc Tiến trong những ngày lưu trú tại Sài Gòn, đã được con trai của họa sĩ Lưu Công Nhân, ông Lưu Quốc Bình - người đã rất gắn bó với bố trong cả cuộc sống và sáng tác - đã ưu ái để nhà văn Phạm Ngọc Tiến được tá túc lại, viết trong căn phòng tưởng niệm, trưng bày cũng như lưu giữ các bức tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân, tại ngôi nhà kỷ niệm 209 Nguyễn Văn Thủ. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã chia sẻ lại với tôi cảm giác đặc biệt này:
“Khi bước vào phòng tranh và được ở trong đó nhiều ngày, cảm giác của tôi rất khó tả. Ban đầu là sự choáng ngợp vì các bức tranh, được vẽ bởi danh họa hàng đầu của đất nước. Tôi là người kiến thức về tranh không nhiều, hoàn toàn chỉ cảm nhận, với tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân, đó là sự gần gũi cội nguồn, quê hương. Được ở phòng tranh của cụ, giữa thế giới rất riêng của họa sĩ Lưu Công Nhân, tôi thấy thực sự hạnh phúc.
Ngay hôm đầu tiên, vào buổi trưa đang nghỉ trong phòng, thấy có rất nhiều tranh, trong đó có cả tranh chân dung, tranh nude, tôi đã lật xem và chiêm ngưỡng tầng tầng lớp lớp tranh bao phủ quanh bốn bức tường. Có những bức tranh đã rất quen thuộc và nổi tiếng, có những bức lần đầu tôi được xem. Ngoài các bức tranh đã được xem trên các ấn phẩm cùng các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi lần này được ngắm nhìn một cách có hệ thống các bức tranh được gia đình lưu giữ. Nét phác họa của Lưu Công Nhân rất thần tình, rất công phu và điêu luyện làm tôi vô cùng ngưỡng mộ.
Tôi đã được viết trong không gian nghệ thuật đó. Nhờ thụ hưởng các tác phẩm của họa sĩ Lưu Công Nhân, mà tôi có được sự thăng hoa, hưng phấn mà cũng rất mơ hồ khó mà cắt nghĩa. Ở Hà Nội, trong phòng làm việc của tôi cũng có nhiều tranh, được lựa chọn theo sở thích của tôi hoặc do bạn bè tặng. Còn lúc này, tôi chếnh choáng trong cảm giác không thể diễn tả, và chưa từng trải qua.
Khi rời khỏi căn phòng, tôi biết khó còn quay lại những giây phút tuyệt vời đó, tôi đã chia tay lặng lẽ, một cuộc chia tay riêng mình tôi”.
“Một buổi cày” khổ 82x105cm, sơn dầu trên vải, vẽ năm 1960. Trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Chuyện bây giờ mới kể” là tên của triển lãm tranh của cố họa sĩ Lưu Công Nhân, do Phòng tranh- Bảo tàng tư nhân Đức Minh, phối hợp với con trai của họa sĩ - ông Lưu Quốc Bình, cùng nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn tổ chức. Các bức tranh được trưng bày từ ngày 24/2 đến hết 3/3, tại 31C Lê Quý Đôn, P7, Q3, Tp. HCM. |