Nhắc tới họa sĩ Phùng Phẩm, nhiều người thấy lạ. Nghĩ đó là một cái tên họa sĩ trẻ nào đó, mới xuất hiện. Cũng phải thôi, giữa đời sống mỹ thuật có phần ồn ào và hào nhoáng như hiện nay, thì một người lao động nghệ thuật miệt mài và bền bỉ như họa sĩ Phùng Phẩm có vẻ như khó hòa nhập. Lại thêm ở tuổi 90, khi mà những ham muốn nghệ thuật cũng không còn nhiều…
1.Những ngày vừa qua, công chúng yêu mỹ thuật ở Hà Nội được chứng kiến một triển lãm cá nhân của họa sĩ Phùng Phẩm, và cuốn sách mang tên ông.
Ở tuổi 91, họa sĩ Phùng Phẩm mới tái xuất trước công chúng. Rất mừng là sức còn khỏe, đủ để ông tham gia và trò chuyện với công chúng yêu mỹ thuật đến với triển lãm của mình.
Cuộc triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm nổi bật của Phùng Phẩm ở cả hai thể loại ông chuyên chú sáng tác là tranh khắc gỗ và tranh sơn mài.
Với một số người, đầu năm 2023, họ bắt đầu chú ý đến họa sĩ Phùng Phẩm khi bà Ellen Berends - cựu Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hai tác phẩm: “Kiêu hãnh” và “Những nụ hôn tình yêu” sau hơn 20 năm chu du khắp thế giới. Đó là hai bức tranh của họa sĩ Phùng Phẩm. Trong đó, “Kiêu hãnh” (1993,88 x 54,5 cm) là bức tranh sơn mài mô tả hình ảnh thiếu nữ trong trang phục truyền thống của một dân tộc miền núi phía Bắc.
“Những nụ hôn tình yêu” (1995, bình phong 4 tấm, 150 x 198,5 cm) là bức bình phong được làm từ sơn mài, khắc họa khoảnh khắc thân mật giữa một cặp đôi khác màu da, thể hiện sự hòa hợp sắc tộc. Cả hai nổi bật với tạo hình tinh tế, màu sắc hiện đại, những đường nét khúc chiết cùng bối cảnh đơn giản làm bật lên nhân vật trọng tâm.
Đặc biệt, vẻ đẹp sang trọng của cô gái miền núi, cùng tình yêu vượt qua những lằn ranh chủng tộc của cặp đôi cho thấy tư duy và cách thức biểu đạt nghệ thuật của Phùng Phẩm khác biệt hẳn so với những nghệ sĩ cùng thời.
Hai tác phẩm nghệ thuật này được bà Ellen Berends sưu tầm tại Hà Nội, trong thời gian bà công tác tại Đại sứ quán Hà Lan với vai trò Phó đại sứ (1997- 2001). Sau đó, hai tác phẩm đã theo bà đi đến nhiều quốc gia khác nhau, trước khi về Hà Lan.
Xa Việt Nam đã 20 năm, nhưng với bà Berends, dường như tình yêu với mảnh đất, con người nơi đây vẫn còn nguyên vẹn. Bà đã tìm gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan để bày tỏ nguyện vọng hiến tặng hai tác phẩm nghệ thuật mà bà sở hữu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn để công chúng trong nước có dịp được chiêm ngưỡng lâu dài các tác phẩm nghệ thuật quý.
Tại buổi trao tặng hai bức tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bà Ellen Berends nói: "Chúng tôi chưa bao giờ gặp Phùng Phẩm nhưng đã sống với các tác phẩm của ông 1/4 thế kỷ. Chúng tôi rất vui khi họa sĩ đích thân đón tranh của ông về Việt Nam. Vẻ đẹp trong tranh của ông đã tạo nên một phần gắn bó trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Phùng Phẩm là một điển hình đáng tự hào về sự giàu có của văn hóa Việt Nam”.
2.Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932 tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Ít người biết, ông chính là em trai của nhà thơ Phùng Cung (1928 - 1997). Phùng Phẩm tham gia cách mạng từ khá sớm, khi mới 13 tuổi.
Sau hòa bình lập lại năm 1954, Phùng Phẩm được cử đi dạy học, trở thành giáo viên. Nhưng tình yêu với hội họa đã thôi thúc ông thi đỗ vào khóa 1 của hệ Trung cấp mỹ thuật - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, theo học các thầy tài hoa như Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ... Sau này, ông tiếp tục thi đỗ vào khóa 9 trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng sau 2 năm học tập tại đây thì dừng giữa chừng.
Rời trường mỹ thuật, Phùng Phẩm vào làm việc tại xưởng phim hoạt hình. Trong suốt nhiều năm ròng, ông vừa làm việc, vừa tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hội họa của mình.
Những năm đầu, họa sĩ Phùng Phẩm sáng tác nhiều tác phẩm đồ họa khắc gỗ. Từ những năm 1970 -1980, ông đã có nhiều bức in khắc gỗ rất đẹp, chỉ hai màu đen trắng thuần túy, giản dị, được cất lên bởi giai điệu của đường nét. Giai đoạn này, các sáng tác của ông còn gần với hiện thực, theo mỹ cảm khắc gỗ dân gian truyền thống. Có thể kể đến một số tác phẩm như: “Chống hạn” (1977), “Nước bạc cơm vàng” (1977), “Đi chợ Xuân” (1980), “Bản nhỏ” (1983), “Lớp học miền núi” (1983). Thời kỳ này, ông cũng đã sáng tác một số tác phẩm có tính dự báo như “Ác mộng” (1978), “Vô đề” (1986) là những thử nghiệm sớm bằng ngôn ngữ đồ họa hiện đại, táo bạo, khác xa mỹ cảm dân gian truyền thống.
Đến năm 1986, năm cột mốc của thời kỳ Đổi mới và mở cửa, họa sĩ Phùng Phẩm đã có những chuyển biến quyết liệt về ngôn ngữ và quan niệm nghệ thuật. Một ví dụ điển hình cho sự biến đổi này là các bức vẽ về chủ đề cấy mạ: “Cấy I” (1991), “Cấy II” (1992), “Cấy III” (1997) và “Cấy IV” (2008)…
Nhưng, dấu ấn của họa sĩ Phùng Phẩm, bên cạnh tranh khắc gỗ, còn có tranh sơn mài. Họa sĩ bắt đầu chuyển sang vẽ tranh sơn mài từ cuối những năm 1980. Một trong những thử nghiệm của ông về sơn mài là tác phẩm “Chống hạn” (1990), tác phẩm mang lại cho ông thành công và giành Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990.
Trong suốt cuộc đời, họa sĩ Phùng Phẩm luôn âm thầm cống hiến cho nghệ thuật. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng: Giải A cho Triển lãm Nghệ thuật Đồ họa từ năm 1975-1985 tại Hà Nội, Huy chương Vàng cho Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Ông đã từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân vào các năm 2003, 2006, 2008, 2010 và 2023.
Giới phê bình mỹ thuật nhận định, tranh sơn mài của Phùng Phẩm không bóng bảy, óng mượt, trong trẻo như các tranh sơn mài theo kỹ thuật truyền thống, mà ông tìm cho mình có một kỹ thuật riêng, chồng màu vừa phải, mài đi vừa đủ, vừa độ. Nghệ thuật của Phùng Phẩm, từ tranh in khắc gỗ cho đến tranh sơn mài có một âm hưởng riêng, sức sống riêng, đặc biệt, có sự kế thừa từ Đông sang Tây, từ truyền thống Việt Nam sang ngôn ngữ hiện đại thế giới…
Còn Phùng Phẩm thì tâm sự: "Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy. Có khi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, mong ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực".
Chính tình yêu, sự đam mê một cách kiên định và cả sự lặng lẽ nữa, đã làm nên dấu ấn của Phùng Phẩm trong hội họa. Ông sống khép kín, thu mình vào tranh, giãi bày cảm xúc qua tranh. Để bây giờ, xem tranh ông một lần, là lần sau sẽ nhận ra. Ngôn ngữ hội họa của Phùng Phẩm tạo ra, không lẫn với nhiều họa sĩ cùng thời, và cả thời nay. Bút pháp cường điệu trong tranh ông là một khác biệt độc đáo.
Bước vào phòng tranh Phùng Phẩm, xem tranh khắc gỗ hay tranh sơn mài, cứ có cảm giác người và cảnh vật trong tranh ông đều như đến từ một thế giới khác: hoang dã, nguyên thủy đầy điệu bộ. Ngay trong những đề tài lao động sản xuất rất đời thường, tính cường điệu được thể hiện ở tư thế, điệu bộ, hình dáng chân tay, cơ thể, dụng cụ và khắp các công cụ, vảnh vật. Ông dường như không còn muốn chừa chỗ cho chút hiện thực nào trong tranh. Đến sau này, ở đề tài phụ nữ và tình yêu, sự cường điệu trong hình thể và màu sắc càng đạt đến độ khắc kỷ.
Nói như họa sĩ Đỗ Đức, ai đã từng xem tranh Phùng Phẩm chỉ cần một lần thôi, thì lần sau đứng từ xa đã nhận ra ông, bất kỳ ông thể hiện trên chất liệu nào, khắc gỗ hay sơn mài. Là bởi họa sĩ đã dùng yếu tố trang trí làm chủ đạo cho toàn bộ tranh của mình. Ông cẩn trọng từ nét đến hình, các khoảng trống và lối dùng màu. Ông đã theo suốt nó, mải mê không chán, như theo đuổi duy nhất một người tình, điều làm nên một Phùng Phẩm độc đáo.
Họa sĩ Thành Chương cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một tấm gương lao động, làm việc và nhân cách Phùng Phẩm. Thành Chương cũng nhấn mạnh tới sự thành công của họa sĩ Phùng Phẩm khi đã tạo được phong cách cá nhân. Rằng dù một bức tranh đã bị che đi và lộ ra một góc, ta vẫn có thể nhận ra đó là tranh Phùng Phẩm. “Xem tranh Phùng Phẩm là thấy tinh thần Việt Nam. Tranh ông có tạo hình hiện đại và không lỡ nhịp với các trào lưu trên thế giới. Nhưng kết quả này không phải là sự cố gắng tỏ ra kì dị, cố làm khác để hội nhập. Mà đó là sự hiện đại dung dị như chính con người họa sĩ, vững vàng, cơ bản và rất lạ kỳ nhưng cũng rất Phùng Phẩm”, họa sĩ Thành Chương chia sẻ.