Theo các nhà kinh tế Liên minh châu Âu (EU), dự án này là một “sự đổi mới”, một bước quan trọng và không thể thiếu trong một thế giới ngày càng số hóa, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.
ECB tuyên bố rằng rồi đây mọi người đều có thể tiếp cận đồng euro kĩ thuật số vì nó sẽ là đồng tiền mạnh, an toàn, hiệu quả, trong khuôn khổ luật pháp. Đồng euro kĩ thuật số dự kiến được phát hành cũng là đồng tiền pháp định, giống như tiền mặt euro và số dư trong tài khoản ngân hàng bằng đồng euro vốn đại diện cho đồng tiền giấy euro.
Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của đồng euro hiện tại, số lượng tiền euro kĩ thuật số có thể tăng lên bất cứ lúc nào, nó không dựa vào điều gì cả và đồng euro kĩ thuật số chắc chắn cũng có rủi ro bị mất giá. Đồng euro kĩ thuật số có thể là loại “dựa trên tài khoản” (account based), tức là người dân giữ số tiền này trong một tài khoản được ECB chấp nhận, hoặc loại “dựa trên mã thông báo” (“token-based”- mô hình tiền tệ dựa vào các bên tham gia để xác thực tính hợp lệ của giao dịch thanh toán hay chuyển tiền) - người dùng tiền nhận được một “mã thông báo” có thể được chuyển từ điện thoại thông minh này sang điện thoại thông minh khác thông qua một ứng dụng. Điều này khiến nhiều người quan ngại về việc lực lượng chức năng có quyền truy cập vào dữ liệu thanh toán của các cá nhân.
ECB cho rằng đồng euro kĩ thuật số là hình thức thanh toán “bổ sung” cho tiền mặt và số dư trong tài khoản ngân hàng.
Nhưng, cho dù nhiều tham vọng đến từ Ngân hàng Trung ương châu Âu, thì điều đó vẫn không thuyết phục vì những người thanh toán bằng tiền mặt rõ ràng thấy cách thanh toán này thuận tiện và họ muốn đảm bảo rằng họ có thể ẩn danh. Bên cạnh đó, nếu như thanh toán điện tử được áp dụng, sẽ không còn “quyền riêng tư tài chính”, khi đó mọi giao dịch của người dân sẽ minh bạch theo mong muốn của nhà nước và những người được hưởng lợi từ điều này.
Nhiều người còn cho rằng, họ vẫn cần đến tiền mặt để bảo vệ bản thân trước các sự cố của ngân hàng, hoặc họ cũng giữ tiền mặt để thanh khoản trong trường hợp bị mất điện, không phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng trực tuyến.
Người ta cho rằng, không chắc rằng một đồng euro kĩ thuật số sẽ chiếm ưu thế một cách tự nhiên so với tiền mặt.
Trong khi đó, truyền thông lại đưa tin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhấn mạnh, Mỹ không cần phải là nước đi tiên phong về tiền kĩ thuật số nhưng cần đi “đúng hướng”. Tờ Business Insider dẫn lời Chủ tịch FED Powell cho biết cơ quan này đang xem xét kĩ lưỡng xem liệu có nên ban hành đồng đô la Mỹ kĩ thuật số hay không; tuy đây vẫn là dự án được ưu tiên. Sở dĩ như vậy, theo ông Powell, rằng còn rất nhiều câu hỏi về công nghệ và chính sách liên quan đến hệ thống tiền kĩ thuật số mới.
“Chúng tôi cam kết sẽ giải quyết những vấn đề công nghệ và tham vấn công chúng, minh bạch đối với các bên quan tâm khi cân nhắc ban hành đồng tiền đô la kĩ thuật số. Nước Mỹ không cần đi tiên phong về việc này”- Chủ tịch FED tuyên bố.
Tuyên bố của Chủ tịch FED được đưa ra trong bối cảnh thế giới có nhiều đồng tiền kĩ thuật số phổ biến như Bitcoin và Ethereum. Cuối tuần trước, vốn hóa thị trường của Bitcoin là 1.000 tỷ USD và đồng tiền này lập kỷ lục với mức giá 58.000 USD/Bitcoin. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch tại châu Á mới đây, đồng Bitcoin đã mất khoảng 6% giá trị, xuống còn khoảng 52.000 USD. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo đồng tiền điện tử Bitcoin là một tài sản có tính đầu cơ cao và không hiệu quả trong tiến hành giao dịch, từ đó dễ dẫn tới những rủi ro thua lỗ.
Đà tăng giá của Bitcoin được thúc đẩy nhờ các dấu hiệu cho thấy đồng tiền kĩ thuật số này đang dần được các nhà đầu tư và công ty chính thống chấp nhận, từ nhà sản xuất ô tô điện Tesla, công ty công nghệ và thanh toán Mastercard cho đến công ty cổ phần dịch vụ ngân hàng đầu tư BNY Mellon.