Ngày 14/7, tại Hà Nội, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo Hoàn thiện dự thảo Báo cáo Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Phân tích hệ thống pháp luật quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo.
Hơn 100 đại biểu, trong đó có đại diện của Ủy ban Thanh thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, các bộ, ngành liên quan và địa phương và một số đại sứ quán tại Việt Nam đã tham dự hội thảo.
Trong hơn 20 năm , du lịch tình dục trẻ em bùng phát và ngày càng lan tràn mạnh mẽ do chi phí du lịch ngày càng rẻ hơn. Số du khách quốc tế đi du lịch ngày một tăng, từ 527 triệu người năm 1995, đến năm 2014, con số đã lên hơn 1,1 tỷ người. Tuy nhiên, tình hình này cũng làm gia tăng nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em.
Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65%. Trong năm 2016 xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.211 trẻ bị xâm hại.
Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về việc cập nhật dự thảo Báo cáo Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành. Trước đó vào năm 2014, để kiểm tra mức độ đáp ứng của pháp luật trong nước với các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em trong lữ hành và du lịch, UNODC đã thực hiện các đánh giá luật ở Việt Nam vào năm 2014.
Kể từ thời điểm Báo cáo được hoàn thiện, để thực hiện các cam kết của Việt Nam về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tình dục trẻ em, chính sách và pháp luật Việt Nam đã có nhiều sửa đổi qua trọng.
Gần đây, các văn bản liên quan trực tiếp đến du lịch tình dục trẻ em như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2015 và Luật trẻ em 2016 đã có sự hoàn thiện, bổ sung.
Nhằm cập nhật những thay đổi trên, UNODC tiếp tục cập nhật Báo cáo này; đồng thời đưa ra những khuyến nghị quan trọng nhằm nâng cao năng lực trong việc phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm du lịch tình dục trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, Phụ trách Văn phòng UNODC, tại Việt Nam, Chirstopher Batt tin tưởng, cùng với sự nỗ lực phối hợp của các cơ quan hữu quan, và các bên liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực cải cách pháp luật, tư pháp hiệu quả và có thể bảo đảm tất cả các hành vi bóc lột tình dục trẻ em đều bị hình sự hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế; pháp luật quốc gia không hình sự hóa trẻ em bị xâm hại tình dục và bóc lột tình dục; đồng thời trẻ em được yêu cầu tham gia tố tụng nhận được sự hỗ trợ và tư vấn thích hợp để được nhận sự trợ giúp trong các giai đoạn tố tụng, có quyền tiếp cận với hệ thống pháp luật nhạy cảm với trẻ em để tránh bị biến thành nạn nhân một lần nữa.
Cũng theo ông Chirstopher Batt, hiện nay UNODC đang triển khai Dự án tăng cường và nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm du lịch tình dục trẻ em tại Campuchia, CHDCND Lào và Việt Nam (2016-2017) nhằm mục đích nâng cao năng lực thực thi pháp luật trong việc phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm du lịch tình dục trẻ em ở các nước đối tác dự án.
Dự án có tổng ngân sách là 650 ngàn đô la Mỹ do Quỹ phát triển của Liên Hợp quốc United Nations Development Account và Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Cơ quan Phòng Chống Ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Chính phủ Việt Nam, CHDCND Lào, Campuchia thực hiện nhằm ngăn chặn nạn bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành.