Ngày 15/4, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý về các quy định, quy chế, biểu mẫu của Bảo tàng MTTQ Việt Nam.
Theo quy định chung, hiện vật sưu tầm cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam là những hiện vật phản ánh truyền thống, sức mạnh của khối Đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Từ ý nghĩa đó, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, lưu giữ, bảo quản, trưng bày hiện vật phục vụ cho công tác tuyên truyền và giáo dục của Bảo tàng MTTQ Việt Nam, cung cấp hiện vật và thông tin về hiện vật khi các ban, đơn vị có nhu cầu khai thác. Các cán bộ, viên chức của Bảo tàng MTTQ Việt Nam đều phải tham gia sưu tầm hiện vật và thực hiện đầy đủ các quy trình sưu tầm theo quy định.
Sau khi nghe phổ biến các quy định, quy chế, biểu mẫu của Bảo tàng MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tàng đã tham gia đóng góp ý kiến tư vấn về các nội dung trên tại Hội nghị.
Đa số các đại biểu cho rằng, những quy định, quy chế và biểu mẫu của Bảo tàng MTTQ Việt Nam đã được chuẩn bị rất kịp thời, phục vụ cho hoạt động của Bảo tàng. Bởi, việc ban hành quy định, quy chế và biểu mẫu là rất cần thiết, đặc biệt đối với những bảo tàng mới được thành lập và đi vào hoạt động.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, quy định, quy chế của Bảo tàng MTTQ Việt Nam nên được soạn thảo theo hướng bao quát hơn. Trong đó, quy chế về nộp lưu hiện vật cho bảo tàng cần được xem xét lại để tránh vi phạm các quy định về lưu trữ Nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Năng cũng cho rằng, mỗi bảo tàng có những đặc trưng riêng biệt. Do đó, các quy định, quy chế và biểu mẫu nên được soạn thảo linh hoạt sao cho phù hợp với đặc trưng của Bảo tàng MTTQ Việt Nam.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong sưu tầm hiện vật, bà Dương Thị Hằng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, trong quy định của Bảo tàng MTTQ Việt Nam cần xây dựng những kế hoạch, chương trình sưu tầm theo chuỗi những sự kiện lớn của MTTQ Việt Nam trong từng năm, từ đó có thể định vị được những hiện vật cụ thể cần sưu tầm. Nói cách khác, Bảo tàng MTTQ Việt Nam nên định hướng công tác sưu tầm theo hướng chủ động.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam cho rằng, hiện vật sưu tầm của Bảo tàng MTTQ Việt Nam nên bổ sung tiêu chí cần có văn bản pháp lý kèm theo và có khả năng bảo quản lâu dài. Đồng thời, phương thức sưu tầm trong quy định cần mở rộng theo hướng hiện đại hóa như sưu tầm qua mạng xã hội hay thông qua các hội nhóm,... góp phần làm tăng tiến độ sưu tầm hiện vật.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết tại Hội nghị, ông Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đề nghị, đội ngũ làm công tác bảo tàng cần tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện các quy định, quy chế, biểu mẫu, phục vụ cho hoạt động của Bảo tàng MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Hội đồng khoa học Bảo tàng MTTQ Việt Nam.