Tưởng chừng, những công trình chợ nông thôn mới (NTM) sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Vậy nhưng, những ngôi chợ được xây dựng với nguồn vốn lên tới hàng tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ “khai tử”.
Chợ chờ “khai tử”
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tiêu chí chợ được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi khi có mạng lưới chợ nông thôn, việc tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, cũng như cung cấp hàng hóa thiết yếu được đa dạng. Từ đó, nâng cao đời sống và thu nhập cho lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tại Nghệ An thời gian qua, nhiều công trình chợ được triển khai xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng không phát huy hiệu quả, thậm chí nhiều chợ có nguy cơ “khai tử”.
Đơn cử như công trình chợ nông thôn xã Nam Thái, huyện Nam Đàn được đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng với định hướng trở thành trung tâm kinh doanh, buôn bán của xã, vừa đáp ứng chuẩn tiêu chí NTM. Vậy nhưng, đến nay sau hơn 7 năm triển khai, công trình tiền tỷ này vẫn còn dang dở, thậm chí có khả năng bị hủy bỏ.
Theo đó, vào năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 3641/QĐ.UBND cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình chợ nông thôn xã Nam Thái. Địa điểm xây dựng công trình được xác định tại xóm 8, xã Nam Thái, với diện tích khoảng 3.000 m2. Đây là công trình chợ hạng 3. Đình chính có diện tích 400 m2; hệ thống quầy ốt bán hàng 400 m2; hệ thống sân nền, hàng rào, mương thoát nước, phòng cháy, chữa cháy và các công trình phụ trợ khác…
Theo hợp đồng được ký kết với đơn vị thi công, công trình sẽ được xây dựng và hoàn thành trong vòng 1 năm (từ tháng 4/2014 - 4/2015). Nhưng sau một thời gian thi công, công trình này đã phải dừng lại do thiếu vốn. Thực tế tại công trình này cho thấy, chợ được xây dựng trên một khuôn viên rộng lớn. Đến nay, do bỏ hoang nhiều năm, khiến nhiều vị trí, hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng. Phần đình chính chợ có 2 dãy ki-ốt ngổn ngang đất đá cùng cây, cỏ dại.
Cũng được đầu tư tiền tỷ, nhưng chợ Nghi Kim (TP Vinh) tính từ khi xây dựng xong hơn 6 năm đến nay vẫn cửa đóng then cài. Cụ thể, năm 2015 thực hiện dự án khu đô thị mới trên địa bàn, chợ mới Nghi Kim là một trong nhiều hạng mục được tiến hành xây dựng. Diện tích xây dựng chợ là 1.200 m2. Vậy nhưng, sau khi hoàn thành cho đến thời điểm này, chợ chưa một lần được đưa vào họp. Điều đáng nói, dù chợ khang trang, sạch sẽ nhưng người dân lại tràn ra họp chợ ngay dọc đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Cách đó không xa, chợ Hưng Đông (TP Vinh) đã hoàn thành từ đầu năm 2018. Chợ được xây dựng với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ đồng, trên diện tích 3.600 m2, nhưng cũng bỏ không từ đó đến nay.
Chính quyền hết cách?
Việc chợ xây dựng xong nhưng dân không mặn mà vào họp, khiến các công trình tiền tỷ này đắp chiếu, gây lãng phí tiền của diễn ra tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An. Biết vậy, nhưng chính quyền sở tại cũng hết cách xử lý.
Theo ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, hiện đơn vị đang làm văn bản trình UBND tỉnh Nghệ An cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng của khu đất làm chợ. Riêng công trình chợ này thi công đã lâu, nhưng hiện không thể thực hiện tiếp do thiếu vốn. Ông Hòa cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Dù có vốn thì cũng khó lòng xây dựng tiếp vì vị trí đặt chợ không hiệu quả. Thậm chí, chúng tôi đã nhiều lần mời đơn vị để quyết toán khối lượng đã thực hiện nhưng nhà thầu không đến”.
Nan giải không kém, chính quyền xã Nghi Kim (TP Vinh) cũng đành “bó tay” trước việc chợ mới bỏ hoang, còn dân tràn ra đường để buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho rằng: “Mặc dù có chợ mới xây dựng khang trang, nhưng do chủ đầu tư áp giá để sở hữu 1 ki-ốt quá cao, nên người dân không đồng tình. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bàn với chủ đầu tư có phương án để các hộ chuyển vào kinh doanh”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP Vinh) cho biết: “Chợ xây dựng xong nhiều năm, nhưng đến nay người dân vẫn chưa vào để buôn bán. Chúng tôi cũng đã làm hết cách, nhưng dân vẫn không chịu vào họp. Tuyên truyền, vận động được dăm ba hôm dân lại tràn ra đường mua bán, nguyên nhân cũng do đường vào chợ chưa được thuận tiện, nên dân ngại vào”.