Giáo dục

Học 2 buổi/ngày từ lớp 6 đến 12: Tăng thời gian, không tăng áp lực lên học sinh

Thu Hương 10/04/2025 09:42

Hiện cả nước có hơn 13.700 trường học, với gần 9,5 triệu học sinh ở hai cấp THPT và THCS. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết sẽ hướng tới việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS và THPT đối với những trường có đủ cơ sở vật chất, giáo viên; tránh tình trạng trường đủ phòng, đủ người nhưng đóng cửa, còn học sinh phải tìm nơi học bên ngoài.

bai chinh
Tiết học tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hân.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày phải hội đủ 3 yếu tố. Thứ nhất, đủ cơ sở vật chất. Ở đây là mỗi lớp 1 phòng học. Trường đủ điều kiện cho học sinh bán trú, ở lại ăn và nghỉ trưa tại trường. Cần đủ sân chơi, bãi tập, các hoạt động giáo dục thể chất và các kỹ năng khác. Thứ hai, đủ số lượng giáo viên. Thứ ba, có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Thuận lợi và khó khăn

Trước thông tin học sinh từ lớp 6 đến 12 có khả năng sẽ học 2 buổi/ngày ở trường, chị Hương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ chị và nhiều phụ huynh trong lớp ủng hộ vì trước đó, nhà trường cấp 2 nơi con chị đang theo học vẫn tổ chức học tuần 3 buổi chiều. Cha mẹ đăng ký cho con ăn bán trú ở trường, rất yên tâm. “Nếu trường học lại buổi 2, chương trình cũng có nhiều hoạt động trải nghiệm, tăng cường kỹ năng sống như lãnh đạo Bộ GDĐT chia sẻ thì rất vui” – chị Mai bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hiện nay trường đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết. Ngoài chương trình chính khóa, học sinh có thêm các tiết học về STEM, văn hóa đọc, hoạt động trải nghiệm, nghệ thuật. Tổng số tiết của cả tuần là 35. Với thời khóa biểu này giúp trường dễ dàng tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, tập huấn và bồi dưỡng cho giáo viên vào cuối tuần mà không vướng lịch học, lại vẫn đảm bảo thời gian nghỉ ngơi của thầy cô và các em. Học sinh và phụ huynh đều rất ủng hộ phương án này.

Tại Lai Châu, tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có 109/133 trường (trong đó 91/110 trường THCS và 18/23 trường THPT) triển khai thực hiện dạy học 5 buổi trên tuần. Năm học 2024 – 2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tăng số tiết học thành 8 tiết/ngày (bao gồm cả buổi sáng và buổi chiều) và sắp xếp lại thời khóa biểu cho phù hợp với chương trình đồng thời quy định, buổi chiều ngày thứ 6 trong tuần là thời gian học sinh được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Dù có những thuận lợi như vậy nhưng đối với một số trường, vì điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên hiện chưa thể thực hiện được việc dạy học 2 buổi/ngày. Đơn cử, ông Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, hiện nhà trường có 34 lớp nhưng chỉ có 17 phòng học. Trường đang luân phiên cho 17 lớp học buổi sáng, 17 lớp học buổi chiều. Dự kiến, năm học tới đây, số lớp của trường còn tăng lên thì việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày vẫn là một bài toán khó đối với nhà trường.

Trên thực tế, ngay cả với cấp tiểu học dù theo quy định của Chương trình GDPT 2018 là phải dạy học 2 buổi/ngày nhưng ở một số nơi vẫn chưa triển khai được. Còn với THCS, THPT, đến thời điểm này số trường, lớp dạy 2 buổi/ngày tăng lên nhiều so với 10 năm trước nhưng vẫn chưa thể trở thành quy định bắt buộc vì nhiều nguyên nhân, có nơi do thiếu phòng học, có nơi là do thiếu giáo viên.

Hiện gần 20 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai hoặc đang thí điểm cho học sinh học 5 ngày/tuần và nghỉ học thứ 7. Ngay tại Hà Nội, trừ các trường ngoài công lập và các trường THCS chất lượng cao, hiện chỉ có 2 trường công là Trường THPT Yên Hòa và Trường THPT Phan Huy Chú thực hiện học 2 buổi/ngày. Thậm chí, như trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vì không đủ phòng học nên học sinh luân phiên nghỉ ngày thứ 5 hàng tuần và học bù ngày thứ 7.

Bài toán tài chính

Ủng hộ quan điểm dạy học 2 buổi/ngày, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về việc kinh phí cho buổi 2 sẽ được lấy từ đâu? Bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phân tích, từ năm học 2025 - 2026, học phí từ cấp mầm non đến THPT của trường công lập đã được miễn hoàn toàn, người dân vừa vui mừng với thông tin này thì lại có nỗi lo về học phí buổi thứ 2 nếu trở thành bắt buộc, liệu có phải đóng phí hay vẫn được miễn phí? Trong đó, nếu được miễn phí thì bên cạnh việc cân đối nguồn tài chính từ ngân sách địa phương, cũng cần tính toán đến đội ngũ giáo viên của nhà trường. Bởi lâu nay, ở nhiều trường THCS và THPT vẫn cho học sinh học buổi sáng với tối đa 5 tiết/buổi. Nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GDĐT yêu cầu chia ra buổi sáng không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết. Như vậy, giáo viên sẽ phải dạy thành 2 buổi/ngày nhưng thu nhập không tăng thêm.

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) khẳng định, Bộ GDĐT không bắt buộc mà khuyến khích các nhà trường mở cửa cả ngày cho học sinh đến trường tham gia các hoạt động học tập, trải nghiệm và hướng tới tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở cấp trung học. Trong trường hợp các trường sử dụng buổi 2 trong ngày để giãn thời lượng dạy học chính khóa thì bắt buộc 100% học sinh sẽ phải học, nhà trường không được thu tiền học buổi 2 của học sinh.

Theo ông Tài, một số địa phương có nguồn lực xác định học sinh của mình cần trang bị một số kiến thức, kỹ năng đáp ứng xu thế phát triển của xã hội hoặc phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương thì có thể trích ngân sách đảm bảo theo nghị định 24 về quản lý hoạt động giáo dục trong trường học để chi cho nội dung dạy học ở buổi 2. Khi đó học sinh sẽ không phải đóng tiền học cho nội dung học tập này.

Cân nhắc hợp lý

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4, TPHCM), chương trình chính khóa trung bình là 30 tiết mỗi tuần, chương trình buổi hai khoảng 6 - 8 tiết, chương trình nhà trường (các lớp kỹ năng, STE, hướng nghiệp) 4-6 tiết. Tổng số tiết học mỗi tuần của học sinh thường hơn 40. Điều này phù hợp với hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi mỗi ngày với cấp trung học Bộ GDĐT đã quy định, bao gồm số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT 48.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhìn nhận, cách đây hàng chục năm học sinh chỉ học kiến thức từ sách giáo khoa. Ngày nay, học sinh cần được bổ trợ kiến thức, kỹ năng thực tế nên các tiết học Kỹ năng sống, Khoa học, Ngoại ngữ, Tin học được đưa vào nhà trường theo các đề án nâng cao năng lực, trình độ cho học sinh. Tuy nhiên, các trường cần cân đối, hiểu rõ cái gì cần làm, dung lượng bao nhiêu là đủ khi triển khai.

Dự kiến trong tháng 5 này, Bộ GDĐT sẽ có văn bản hướng dẫn việc dạy học 2 buổi/ngày để cho các trường đủ điều kiện chuẩn bị sẵn sàng cho năm học sau. Trong đó nêu rõ việc tổ chức dạy học buổi thứ hai trong ngày như thế nào, tránh trường hợp giống như Thông tư 17 trước đây mà các trường hiện nay đang làm theo hướng dạy kiến thức hay dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn việc dạy học sao cho đúng tinh thần dạy học để phát triển năng lực học sinh. Thay vì trước đây với thời lượng như thế, học sinh học 1 buổi và đến tận 5 tiết; tới đây sẽ giãn ra ở 2 buổi và đáp ứng một số nội dung theo nhu cầu người học và thực tiễn cuộc sống đặt ra như: Năng lực số, AI, hướng nghiệp để các em chọn ngành nghề đúng... Đại diện Bộ GDĐT khẳng định buổi thứ hai này chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu của học sinh mà không phải nặng về kiến thức.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Đảm bảo đội ngũ, chương trình

Nguyen Tung Lam

Khi tổ chức học sinh học buổi 2, dù là các hoạt động trải nghiệm, thể thao, bơi lội… thì cũng cần có người hướng dẫn, quản lý, vừa để đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo học sinh hoạt động đúng nội dung, đạt hiệu quả giáo dục, tăng cường thể lực… theo yêu cầu đặt ra. Khi đó, giáo viên chắc chắn sẽ phải tăng số tiết giảng dạy nhưng với những trường không đảm bảo đội ngũ giáo viên dư dả, các thầy cô sẽ phải “gánh” thêm công việc hơn so với định mức yêu cầu. Khi đó, vướng mắc không chỉ nằm ở vấn đề kinh phí để trả cho giáo viên vượt số tiết dạy chuẩn mà còn chuyện đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học 2 buổi/ngày từ lớp 6 đến 12: Tăng thời gian, không tăng áp lực lên học sinh