Nhân ngày Di sản Việt Nam vừa qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã phối hợp với Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức sự kiện “Di sản với học đường” tại Trường THPT Bùi Thị Xuân - Đà Lạt.
Tại đây, Mộc bản Triều Nguyễn - đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu, lần đầu tiên được trưng bày bằng công nghệ thực tế ảo 360 VR. Hoạt động này đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn giáo viên và học sinh.
Tiếp cận môn lịch sử theo cách mới
Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động trưng bày lưu động triển lãm lịch sử tại một số trường THPT và THCS trên địa bàn TP Đà Lạt trong năm 2020. Bao gồm những hoạt động tiêu biểu như: Triển lãm tài liệu, hình ảnh đặc sắc theo 2 chủ đề “Từ Xích Quỷ đến Việt Nam - Quốc hiệu nước ta qua Mộc bản Triều Nguyễn” và “Đà Lạt - Lâm Đồng, Xưa và Nay”; Ra mắt kho tư liệu quý với nhiều nét độc đáo, hấp dẫn qua website mocban.vn; Giới thiệu những hình thức phát huy giá trị trường tồn của di sản tư liệu thông qua ứng dụng công nghệ và sự góp sức của các nhà làm phim điện ảnh.
Với không gian trưng bày thực tế ảo 360 VR, nhiều người có thể xem triển lãm ngay trên máy tính cá nhân, điện thoại một cách sinh động, trực quan. Trong không gian ảo, chỉ cần theo hướng dẫn, người xem có thể đến được tất cả các phòng trưng bày tư liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Đáng chú ý, trong phòng trưng bày thực tế ảo có các tư liệu về lịch sử Trường Sa - Hoàng Sa.
Cùng với đó tại sự kiện, hoạt động giao lưu cùng những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa…cũng đã được tổ chức. Nhà sử học Dương Trung Quốc tham gia chia sẻ góc nhìn: Tài liệu lịch sử không chỉ là tài liệu nghiên cứu khoa học mà còn là chất liệu để phát triển các ấn phẩm văn hóa đại chúng cho thế hệ sau dễ tiếp cận giá trị lịch sử lâu dài.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, khi nói đến lưu trữ chúng ta thường nghĩ đến kho tàng, những nơi kín cổng cao tường là vì phải bảo tồn lâu dài. Tuy nhiên, bên cạnh việc lưu trữ, bảo tồn một cách nghiêm mật thì cũng cần thiết phải đưa các tài liệu, tư liệu lưu trữ ấy đi vào đời sống xã hội.
Việc tổ chức sự kiện “Di sản với học đường” là sáng kiến có ý nghĩa, bởi không những giúp giới trẻ tiếp thu được những tri thức, những hiểu biết mà quan trọng hơn là làm cho các em biết tôn trọng, gìn giữ, bảo tồn di sản; để cho các bạn trẻ trưởng thành với ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với tương lai.
Mềm hóa bài học lịch sử
Các nhà tổ chức kỳ vọng, “Di sản với học đường” mở ra cơ hội giúp học sinh, giáo viên tiếp nhận di sản mạnh dạn hơn, có cơ hội bày tỏ quan điểm tiếp cận di sản, lịch sử Việt. Sự kiện cũng khuyến khích các em học sinh yêu sử Việt và tự tìm kiếm những động lực cho riêng mình.
Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong các nhà trường đã được Bộ GDĐT triển khai nhiều năm qua. Việc sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông được thực hiện chủ yếu ở các môn học: Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc.
Đây cũng là sự phối hợp giữa ngành giáo dục với ngành VHTTDL và UNESCO trong thực hiện sử dụng di sản văn hóa trong dạy học. Dẫu thế, một yêu cầu lớn và khó đang đặt ra với giảng dạy ứng dụng công nghệ số là: Giáo viên phải chủ động sưu tầm tư liệu xây dựng bài học, làm sao để giúp học sinh hào hứng học tập.
Để gắn di sản với học đường, tại Hà Nội, từ năm 2018 nội dung giáo dục di sản cho học sinh Thủ đô lần đầu tiên đã được đưa vào chương trình học tập một cách có hệ thống, khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi. Đây là hoạt động hợp tác giữa Sở GDĐT Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long.
Theo chia sẻ từ cô Thanh Thủy- giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai), học sinh thực sự háo hức khi tham gia chương trình trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử qua các câu chuyện, hiện vật được trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt là thông qua những trưng bày chuyên đề công nghệ số.
Những hoạt động này tạo hứng thú để các em chủ động tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Sau đó, trở về những tiết học trên lớp, học sinh tranh luận bài cũng sôi nổi hơn rất nhiều.
Một số bảo tàng tại Hà Nội hiện nay cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ số để phục vụ các trường dạy và học sử tốt hơn. Đơn cử như Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có chương trình “Ứng dụng công nghệ 3D phục vụ việc giáo dục lịch sử cho các em học sinh”.
Tất cả các em học sinh tham gia đều có chung một cảm giác rất thích thú với phương pháp tìm hiểu về lịch sử qua phương pháp mới rất trực quan, sinh động này, đặc biệt là việc khám phá các di tích lịch sử Điện Biên Phủ qua kính Oculus, các chương trình tương tác 3D với các nhà sử học... Qua đó, giúp người học có cái nhìn chân thực, sinh động về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới. Từ đó sẽ yêu thích bộ môn lịch sử hơn.
Tại sự kiện “Di sản với học đường”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã trao tặng ngành giáo dục Lâm Đồng 100 USB, chứa 30 phim tài liệu về lịch sử Việt Nam qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, góp phần làm phong phú thêm cơ sở học liệu trong các nhà trường và những tiết học sinh động cho giáo viên và học sinh yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam.