Học nghề để giảm áp lực vào lớp 10

Dung Hòa 02/06/2023 08:23

Lâu nay, cuộc đua vào lớp 10 ở các thành phố lớn nói chung và tại Thủ đô Hà Nội nói riêng, luôn là áp lực lớn.

Học viên Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội.

Nhận thấy áp lực của kỳ thi này quá lớn, nên nhiều phụ huynh và học sinh đã chủ động tìm hiểu về học nghề. Nhiều trường cao đẳng (CĐ) nghề cũng đang tất bật tuyển sinh, với cam kết đảm bảo đầu ra cho người học.

Doanh nghiệp tới tận trường tuyển dụng

Bên cạnh nhiều ưu điểm như học nhanh, ra trường sớm, thì yếu tố tiên quyết để người học lựa chọn hệ đào tạo này vẫn là chất lượng đào tạo và cơ hội sau khi ra trường. Với phương châm “đi học có lương, ra trường có việc”, nhiều trường CĐ đang tập trung cho mô hình đào tạo này.

Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, đại diện của hàng chục doanh nghiệp (DN) đã tới Trường CĐ Cơ điện Hà Nội để tìm ứng viên cho hơn 300 vị trí việc làm. Trong đó, có các tập đoàn, DN như Công ty Honda Việt Nam, Công ty cổ phần đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội, Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc (FPT telecom), Công ty TNHH Hyundai Phúc Yên... Các DN này cần ứng viên tốt nghiệp trình độ CĐ các nghề kỹ thuật gồm: Công nghệ ô tô, điện, điện tử, điện lạnh, cơ điện tử, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, với mức lương khởi điểm trung bình từ 8- 10 triệu đồng/tháng.

TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho hay: Doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực rất lớn ở các ngành công nghệ ô tô, cơ điện tử, điện - điện tử, điện lạnh, cắt gọt kim loại... Vì thế, trường đào tạo bao nhiêu là có việc làm bấy nhiêu, thậm chí ngay từ kỳ thực tập ở năm 3, các em đã được các công ty tiếp nhận. Mỗi năm trường tổ chức 2-4 ngày hội việc làm tùy theo số lượng các DN đăng ký, mỗi đợt phân theo nhóm ngành nghề. Trung bình hàng năm có từ 40-50 tập đoàn, DN đăng ký tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của trường và mỗi đợt có khoảng 300-400 em được tuyển dụng.

Trên thực tế thời gian qua, mô hình đào tạo 1+1+1 đang được một số trường CĐ phối hợp với DN thực hiện. Cụ thể, sau khi học 1 năm tại trường, năm thứ 2 tại trung tâm đào tạo của DN và năm 3 trải nghiệm vị trí việc làm ngay tại xưởng sản xuất, sinh viên trở thành nhân viên chính thức của công ty. Đơn cử, Trường CĐ Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh hiện đã có 50 sinh viên tham gia mô hình 1+1+1 từ năm 2022 và năm 2023 là 100 sinh viên ở các nghề điện tử công nghiệp. Ông Trương Văn Tâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường và DN đã cùng nhau xây dựng chương trình, phối hợp giảng viên, bố trí cơ sở vật chất... Năm 2022, mỗi sinh viên năm 2 được Tập đoàn Goertek Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) hỗ trợ thêm học bổng 10-12 triệu đồng và được hỗ trợ lương khi là thực tập sinh năm 3.

Khuyến khích phân luồng từ bậc THCS

Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2022, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm sẽ tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố, đồng thời khuyến khích học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề. Báo cáo cho thấy, năm học 2022-2023, số học sinh tham gia học nghề tại Hà Nội tăng hơn 2.000 em so với năm trước đó. Năm học 2023-2024, chỉ có 55,7% số học sinh Hà Nội sẽ thi đỗ vào lớp 10 trường công lập.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, học sinh có nhiều lựa chọn sau tốt nghiệp bậc THCS. Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, các trường tư thục, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, các cơ sở GDNN... Đặc biệt, nếu có nguyện vọng, học sinh có thể lựa chọn học lớp 10 tại các cơ sở GDNN. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, mùa tuyển sinh này sẽ có khoảng hơn 17.000 học sinh tốt nghiệp THCS tuyển vào các cơ sở GDNN.

Tương tự, trong kế hoạch mới nhất (Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045), TPHCM xác định phát triển GDNN là quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, thành phố đặt ra nhiều chỉ tiêu để đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo.

Cụ thể, năm 2025, thành phố sẽ thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp vào trường nghề, bao gồm cả các học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Trong đó, học sinh, sinh viên nữ trong các trường nghề đạt 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Ít nhất 40% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên. Hiện số lượng các trường nghề chất lượng cao của thành phố còn khiêm tốn. Vì thế, thành phố phấn đấu đến năm 2024 sẽ có 4 trường nghề chất lượng cao, 4 trường trình độ ASEAN-4.

Trước băn khoăn của nhiều người về nút thắt trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT ở nước ta hiện nay, TS Đồng Văn Ngọc phân tích, là do việc phân luồng chưa sớm và chưa liên tục. Tại nhiều nước trên thế giới, học sinh được định hướng, trải nghiệm nghề nghiệp từ rất sớm với nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, cần cho các em được trải nghiệm nghề nghiệp. Từ đó giúp các em nhận ra được năng lực, sở trường, đam mê và tìm ra cho mình hướng lập nghiệp. Nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng hành để giúp các em chọn con đường đi phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học nghề để giảm áp lực vào lớp 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO