Trường ngoài công lập đang thu hút một lượng lớn học sinh, đặc biệt là các trường chất lượng cao và giảm áp lực quá tải tại trường công. Tuy nhiên, việc tăng học phí liên tục cũng tạo thành một áp lực cho phụ huynh có con theo học.
Giờ ăn trưa của các bé lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Hoa Mai Vàng (phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh).
Ngỡ ngàng học phí
Hiện nay Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị định 86 của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đối với các trường ngoài công lập, bao gồm cả đại học lẫn phổ thông đều được tự xác định học phí.
Cụ thể, trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Đó là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, mức học phí của các trường ngoài công lập khối mầm non, và phổ thông không có một mức trần chứng như học phí các trường công. Vì vậy, tình trạng trăm hoa đua nở ở khối các trường ngoài công lập là có thật khi có trường thu vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Đơn cử như tại khu vực Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, hầu như không thể tìm thấy một trường mầm non ngoài công lập nào có mức học phí và tiền ăn dưới 3 triệu đồng/tháng/học sinh. Trong khi chỉ cách đó vài km, tại khu vực xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, các trường mầm non ngoài công lập chỉ duy trì mức đóng từ 1,5-2,5 triệu đồng/tháng/học sinh với cơ sở vật chất, giáo viên không khác gì nhiều các trường ở Linh Đàm.
Đối với hệ thống các trường được gắn mác quốc tế, mức học phí có thể nói là “ngỡ ngàng” với nhiều gia đình có thu nhập trung bình. Chẳng hạn, năm học 2017-2018, Trường Quốc tế Nhật Bản giảm 8% học phí cho phụ huynh đóng theo năm. Mức thu là 121,44 triệu đồng (hệ mầm non) và 182,16 triệu (hệ tiểu học, THCS).
Trường Quốc tế Đa cấp Anh Việt Hoàng gia (BVIS) thu học phí từ 177,9 triệu (mầm non 1) đến 430,2 triệu (lớp 12 và 13). Đấy là mức thu đóng trọn gói cả năm, còn nếu thu theo từng học kỳ, con số này còn cao hơn nữa. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng thêm phí đăng ký tuyển sinh 3,4 triệu, phí tuyển sinh 45,5 triệu, tiền đặt cọc 33,75 triệu.
Một số trường quốc tế khác tại Hà Nội như Trường Quốc tế Hà Nội (HIS) thu học phí từ 362,61 triệu đến 575,91 triệu đồng. Phí đăng ký tuyển sinh là 4,5 triệu đồng, phí trúng tuyển 23,7 triệu. Trường Phổ thông Việt - Úc có học phí trên 100 triệu đồng đối với hệ quốc tế (từ 113,2 đến 119,2 triệu đồng).
Tăng học phí không thể tùy tiện
Về vấn đề tăng học phí tại các trường ngoài công lập, mặc dù Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ về 3 công khai trong các trường học, trong đó có quy định về việc tăng học phí để làm gì, các trường phải nêu rõ nhưng tăng bao nhiêu, tăng như thế nào thì hoàn toàn không có quy định. Thế mới dẫn đến chuyện khi mức tăng học phí quá cao, không tìm được tiếng nói chung giữa phụ huynh và nhà trường sẽ dẫn đến những bức xúc nhưng các cơ quan chức năng cũng hoàn toàn bất lực.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo Luật Giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước không có thẩm quyền quản lý việc thu chi của các trường ngoài công lập. Các trường tư hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Sở chỉ được giám sát về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, còn về tài chính, Sở không thể theo dõi, can thiệp, điều chỉnh. Chỉ các cơ quan về thuế mới được giám sát vấn đề tài chính của trường.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng mức học phí của các trường ngoài công lập hiện nay đang dựa vào thương hiệu, uy tín của nhà trường chứ chưa có một bộ tiêu chuẩn cố định nào để phân tầng chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nếu đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, giữa nhà trường và phụ huynh cần có một thỏa thuận rõ ràng giống như bản hợp đồng và phải được kí kết thông báo ngay từ khi vào trường. Đó là trong quá trình học, mức tăng học phí nếu có phải không quá bao nhiêu % năm. Không thể có chuyện học sinh đã vào học rồi sau đó tự nhiên tăng vọt không hề thông báo trước. Trong kinh doanh không ai làm thế, nữa là với học sinh cần môi trường học tập ổn định chứ không thể nay chuyển trường này, mai trường khác được.
Ngoài ra, theo ông Nhĩ, hiện nay học phí các trường ĐH tự chủ tài chính của Việt Nam cũng phải đảm bảo nằm trong mức trần nhà nước cho phép (không quá 20 triệu/đồng/năm/sinh viên) thì việc thả nổi học phí của các trường ngoài công lập là không hợp lý. Vì vậy, ông Nhĩ đề xuất cần quy định phân mức chất lượng các trường, từ đó đưa ra trần học phí theo từng bậc. Đối với Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới, cần đưa vào yêu cầu các trường khi tăng học phí cũng cần có lộ trình, biên độ rõ ràng để các phụ huynh chuẩn bị sẵn tinh thần.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội đồng Trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, muốn trường tốt, cơ sở vật chất tốt thì mức phí phải cao là đương nhiên. Ưu điểm của hệ thống trường ngoài công lập là không có các khoản đóng góp “ẩn” mà tất cả đều được công khai, hầu như không có chuyện lạm thu vô tội vạ. Nhưng phụ huynh và học sinh cần lưu ý rằng trường chất lượng cao phải là có thầy tốt chứ không phải sàn gỗ, điều hòa. Học ở đâu tuy quan trọng nhưng vẫn cần sự phối hợp của chính học sinh đó và gia đình chứ không thể vì đóng tiền nhiều mà yên tâm phó mặc tất cả trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường.