Đổi mới môn Ngữ văn với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đã được giáo viên, học sinh đón nhận một cách tích cực.
Cả thầy và trò đều vui
Hơn nửa năm học 2022-2023 đã trôi qua, việc giảng dạy môn Ngữ văn trong các nhà trường phổ thông đã có những thay đổi bước đầu. Không chỉ là việc đổi mới trong kiểm tra, đánh giá môn học này mà ngay từ quan điểm giảng dạy mở rộng các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, những tiết học văn khơi gợi hứng thú của học sinh và cả giáo viên đã được triển khai ở nhiều lớp học.
Phan Mai Anh, học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) cho biết, trước đây em “ngại” học nhất là môn Ngữ văn do dàn ý mỗi bài đều dài, phải học thuộc kỹ nếu muốn lấy điểm cao. Tuy nhiên, nhiều khi đó không phải là góc nhìn, cảm nhận của em mà là của giáo viên nên việc viết theo ý người khác rất khó khăn, các bạn cùng lớp có khi viết đến tờ giấy thi thứ 3 em vẫn đang loay hoay với tờ giấy thi thứ 2.
“Năm nay, cô giáo lớp 10 thường xuyên cho chúng em làm dự án học tập, mở rộng bài trong sách giáo khoa hoặc chia thành các đội để tranh luận vấn đề ở cả 2 mặt nên em thấy giờ học rất vui. Chỉ cần nắm được lý thuyết Ngữ văn còn thực tiễn tác phẩm có khi là ngữ liệu một tin ngắn trên báo, chưa từng học nên chúng em không bị gò bó phải viết như văn mẫu nữa” - Mai Anh cho hay.
Cô giáo Hoàng Lan Anh (Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bày tỏ đồng tình với việc thay đổi hình thức thi cử và dạy học từ việc thay đổi ngữ liệu trong kiểm tra đánh giá. Đây có thể xem là bước chặn đầu hiệu quả để giải quyết tình trạng văn mẫu. Giáo viên chuẩn bị bài học công phu hơn, thường xuyên tham khảo sách báo, các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế nổi cộm để mở rộng tiết học, không bị nhàm chán. Bù lại, đổi mới chính mình mỗi ngày với giáo án mở, hứa hẹn không năm nào giống năm nào, thậm chí với mỗi lớp, trình độ tiếp thu của học sinh cũng khác nhau nên có thể linh hoạt lựa chọn các tác phẩm theo đúng khả năng nhận thức của học sinh.
Còn cô giáo Nguyễn Thanh Nhàn (Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho rằng, đối với giáo viên, khi thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa bằng một văn bản mới, đương nhiên công việc sẽ nhiều hơn so với trước đây. Đơn cử, việc đọc và sửa bài cho học sinh cần hết sức tỉ mỉ, cẩn thận để các em nhận thức rõ đâu là lập luận khách quan, có cơ sở khoa học, đâu là tư duy cảm tính… Chỉ khi giúp các em hiểu dù cảm nhận tác phẩm văn học là cách nhìn của mỗi cá nhân nhưng cũng cần dựa trên những bằng chứng tin cậy, thuyết phục thì mới đảm bảo thuyết phục được người đọc.
“Thông qua tranh biện, học sinh được nêu ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình. Dù là bênh vực hay phản đối thì cũng cần đưa ra các lập luận, ví dụ thực tế để dẫn chứng, thuyết phục được người khác. Muốn vậy, giáo viên phải vừa đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, điều chỉnh những gì chưa đúng nhưng cũng khéo léo để không kìm hãm tính chủ động sáng tạo trong cảm nhận văn học của học sinh” - cô Nhàn chia sẻ.
Để không còn “bình mới rượu cũ”
Dù khẳng định ngữ liệu sách giáo khoa là yếu tố quan trọng, song cô Hoàng Lan Anh cũng nhấn mạnh nó không thể chịu toàn bộ trách nhiệm cho tình trạng “thầy đọc trò chép”, cũng không có nghĩa thay đổi ngữ liệu đánh giá sẽ làm thay đổi căn bản vấn đề dạy học Ngữ văn. Để dạy và học thực chất môn Ngữ văn, cần xác định nhiệm vụ, phương pháp đổi mới môn Ngữ văn một cách căn bản, toàn diện, chẳng hạn như định hướng dạy học phát triển tư duy phản biện…
Ngay cả với ngữ liệu không mới vẫn có khả năng tạo cơ hội cho học sinh nảy sinh góc nhìn và nhận thức mới. Trong quá trình học tập hoặc kiểm tra đánh giá, giáo viên cần đặt những câu hỏi phản biện, hoặc khuyến khích học sinh đặt những câu hỏi phản biện, buộc các em phải huy động kiến thức sâu rộng; khả năng lập luận chặt chẽ, linh hoạt; góc nhìn đa chiều để truy vấn hoặc bảo vệ quan điểm cá nhân. Vai trò của giáo viên là không thể thay thế trong quá trình đổi mới dạy học.
Vừa qua, đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tại TPHCM gây xôn xao trên các diễn đàn học sinh và giáo viên bởi độ hay và độ mở của đề. Cả 2 câu hỏi đều đặt ra những vấn đề đang rất nóng trong xã hội hiện nay và có ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh nên phù hợp để học sinh bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình.
Văn chương dù ở thời đại nào cũng phải gắn với cuộc sống, đi ra từ cuộc sống và tác động trở lại cuộc đời. Hy vọng mỗi học sinh thêm yêu văn chương, thêm yêu cuộc sống đó chính là một trong những mục tiêu mà môn Ngữ văn hướng tới. Và thông qua những đề bài gợi mở, những đổi mới trong cách dạy và học môn Ngữ văn hiện nay góp phần hình thành và phát huy tư duy phản biện cho học sinh, phù hợp với tinh thần dạy học phát triển năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang đặt ra và cũng là kỳ vọng của nhân dân đối với thế hệ học sinh hôm nay.