Từ năm học tới, việc ra đề thi môn Ngữ văn trong đánh giá kết quả của học sinh được Bộ GDĐT yêu cầu không sử dụng lại các văn bản trong SGK làm ngữ liệu.
Đề Văn sẽ ra sao?
Theo đó, ngày 21/7 mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Một trong những điểm mới nổi bật của hướng dẫn này là: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp: Tránh sử dụng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn”.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu việc đánh giá học sinh cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.
Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng nghe, nói, đọc, viết vào bối cảnh và ngữ liệu mới.
Đồng thời tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và sáng tạo sản phẩm mới, gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình nghe, nói, đọc, viết.
Hướng dẫn mới của Bộ GDĐT được yêu cầu thực hiện ngay trong năm học tới khiến không ít học sinh trở nên hoang mang, nhất là khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu.
Cập nhật thông tin trên báo chí vài ngày trở lại đây, Nguyễn Văn Phong (học sinh lớp 11, THPT Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn không khỏi lo lắng. Phong cho biết, dù là học sinh theo khối xã hội và học khá tốt môn Văn, song việc ra đề không sử dụng văn bản trong SGK cũng khiến em rất hoang mang.
“Trong đánh giá cuối kì mà không có văn bản trong SGK, em không hình dung được đề văn sẽ ra sao. Bởi trong cấu trúc thông thường, phần nghị luận văn học đã chiếm đến 50% số điểm. Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội chiếm 50% số điểm còn lại. Nếu giờ tất cả ngữ liệu đều không nằm trong SGK thì em không biết sẽ làm bài kiểu gì”, Phong cho hay.
Hạn chế học tủ, học vẹt
Tương tự, Nguyễn Hải Anh (học sinh lớp 10, THPT Cầu Giấy) cho rằng, việc ra đề nhưng không dùng văn bản SGK sẽ khiến học sinh khó khăn trong khi làm bài.
“Bình thường chúng em đã quen với kiểu học thuộc theo ý của từng văn bản để làm bài kiểm tra. Đề thi theo kiểu truyền thống cũng đã giảm bớt rất nhiều kiến thức học thuộc khi có cả phần nghị luận xã hội và phần đọc hiểu. Nếu 100% đề thi không sử dụng ngữ liệu SGK thì chúng em còn cần học các văn bản đó để làm gì?”, Hải Anh thắc mắc.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc đổi mới cách thức ra đề như vậy là quá gấp gáp, học sinh chưa kịp thích ứng cũng như thay đổi cách học. Thay vào đó, cần có thêm thời gian để thay đổi, việc ra đề thi có thể cân đối lại tỉ lệ điểm giữa các phần sử dụng ngữ liệu SGK và không sử dụng ngữ liệu SGK.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự hào hứng nếu đề Văn hoàn toàn “thoát xác” khỏi SGK. Tú Anh (học sinh lớp 10, trường THPT Hoàn Kiếm) cho hay: “Em là học sinh chuyên khối tự nhiên và rất ghét phải học thuộc những văn bản dài hay đọc văn mẫu để làm Văn. Nếu việc ra đề thi không dùng đến văn bản SGK mà chỉ tập trung vào đánh giá kĩ năng vận dụng kiến thức đã học, sự sáng tạo và trí tưởng tượng của học sinh thì sẽ rất phù hợp để môn Văn không còn nhàm chán nữa”.
Đồng tình với quan điểm này, Nguyễn Văn Minh (học sinh lớp 11, THPT Ngọc Tảo, Hà Nội) bày tỏ: “Yêu cầu mới này sẽ giúp học sinh không còn học tủ, học vẹt như trước kia nữa. Thay vào đó sẽ giúp việc học Văn trở nên có tư duy hơn, sáng tạo hơn. Chúng em sẽ được tự do thể hiện quan điểm, đánh giá của mình không theo lối mòn của các thầy cô hay văn mẫu định hướng nữa”.
Tuy nhiên, Minh cũng cho biết, việc đánh giá điểm số sẽ có phần chênh lệch khi đề thi không theo form cũ. Đây sẽ là thách thức lớn đối với học sinh nếu không được trang bị kiến thức đầy đủ.