Học sinh, phụ huynh Hà Nội ‘nín thở’ thi vào lớp 10 chuyên

Nguyễn Hoài 03/06/2022 13:06

Các sĩ tử đang căng mình tranh suất vào lớp 10 của các trường THPT chuyên có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất, nhì tại Hà Nội.

Cuộc đua “nghẹt thở”

Từ nay cho đến hết ngày 6/6, các trường chuyên trực thuộc đại học của Hà Nội liên tiếp tổ chức thi vào lớp 10 gồm: Trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (1/6), Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (29/5), Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (4/6), Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (5 - 6/6).

Đây là các trường THPT chuyên có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất, nhì tại Hà Nội. Năm nay, tổng chỉ tiêu vào 4 trường THPT chuyên trực thuộc đại học là hơn 1.500 chỉ tiêu (tính cả chỉ tiêu hệ chất lượng cao ở một số trường). Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi cao, gấp mấy chục lần, có lớp tỉ lệ chọi 1/32.

Thí sinh tham gia thi vào trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội.

Theo Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay là 5.479 thí sinh, tăng gần 500 thí sinh so với năm ngoái.

Trong đó, 943 thí sinh thi chuyên Toán, 359 thí sinh thi chuyên Tin, 506 thí sinh thi chuyên Vật lý, 395 thí sinh thi chuyên Sinh học, 713 thí sinh thi chuyên Hóa học, 642 thí sinh thi chuyên Văn, 1921 thí sinh thi chuyên Tiếng Anh. Nhà trường tổ chức 5 điểm thi với 152 phòng thi trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Riêng lớp chuyên Tiếng Anh với số chỉ tiêu chỉ 60, thế nên tỉ lệ chọi để vào được lớp này lên tới 1/32. Lớp chuyên Toán cũng có tỷ lệ chọi 1/13.

Năm 2022, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển tổng cộng 180 thí sinh, tăng 30 chỉ tiêu so với năm 2021.

Trong khi đó, trong ngày thi 29/5 vừa qua, đã có gần 1.100 thí sinh tại Hà Nội và các tỉnh lân cận tham gia 4 bài thi viết của trường để giành 1 suất vào cấc lớp chuyên và lớp chất lượng cao.

Bên cạnh lịch thi vào các trường THPT chuyên trực thuộc đại học, thí sinh chuẩn bị vào lớp 10 sẽ còn trải qua kỳ thi chung vào lớp 10 THPT công lập do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức vào ngày 18 và 19/6 tới đây.

Nếu có nguyện vọng vào một trong 4 trường có lớp chuyên thuộc Sở gồm: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây, thí sinh phải dự thi thêm ngày 20/6.

Với hệ chuyên ở các trường thuộc Sở GDĐT Hà Nội, tổng chỉ tiêu là 1.750.

Con học thâu đêm, bố mẹ mất ăn mất ngủ

Các trường chuyên đồng loạt tổ chức thi trong khoảng thời gian một tuần khiến học sinh và phụ huynh vô cùng áp lực. Trong số học sinh thi chuyên, có nhiều em tham gia 3 trong 4 kỳ thi đó. Hầu hết, phụ huynh và học sinh gọi tuần này là một tuần “nín thở”.

Đặt mục tiêu đỗ vào lớp chuyên Văn của Trường THPT chuyên Sư Phạm Hà Nội hoặc Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân Văn, em Nguyễn Hồng Hạnh (quận Ba Đình) cho biết, em ôn thi từ cuối năm lớp 6. Ngoài 2 trường trên, Hạnh còn đăng ký thi thêm Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Phụ huynh chờ con thi chuyên vào Trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội.

Theo thí sinh này, sở dĩ em đăng ký thi nhiều trường vì muốn tăng cơ hội trúng tuyển và cũng cùng một công ôn tập. Để đạt kết quả như mong muốn, Hằng học thêm môn Văn ở 2 nơi, một nơi ôn vào trường chuyên của đại học, một nơi ôn vào trường chuyên thuộc Sở GDĐT Hà Nội.

“Những ngày cuối chuẩn bị bước vào kỳ thi, em học ngày, học đêm, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi”, Hằng tâm sự.

Không riêng Hằng mà có nhiều thí sinh khác cũng đăng ký dự thi nhiều trường chuyên cùng một tuần. Các em thừa nhận, thi cùng một lúc mấy trường khiến các em vô cùng áp lực, thậm chí là kiệt sức. Hầu hết, các em đều thiếu ngủ, dành toàn bộ thời gian cho việc ôn luyện.

Con thi chuyên, bố mẹ cũng mất ăn, mất ngủ. Chị Hoàng Diệu Ngân (quận Tây Hồ) cho biết, những ngày này chị chỉ ngủ 4-5 tiếng, phần vì thức cùng con để ôn luyện, phần vì lo cho con nên chị không thể ngủ ngon.

Kỳ vọng con đỗ vào Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên hoặc Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nên trong suốt thời gian con học bậc THCS, chị Ngân dành nhiều thời gian đưa đón con đi học thêm ở nhiều nơi. Có những ngày con học thêm 4 ca với đủ các môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh, đến hơn 10h tối mới về tới nhà.

Ngoài 2 trường trên, con chị con còn đăng ký dự thi vào lớp chuyên Anh của Trường THPT chuyên Ngoại Ngữ. Chị Ngân cho hay: “Học trường chuyên vừa giúp con có cơ hội học tập tốt hơn vừa có nhiều lợi thế khi tham gia xét tuyển đại học các trường tốp đầu. Tương lai ra trường, con dễ xin việc hơn. Vất vả mấy năm phổ thông nhưng sau này tôi hi vọng con có cuộc sống ổn định, an nhàn”.

“Kinh nghiệm tư vấn của tôi thấy rằng, áp lực thi cử của học sinh chủ yếu là do phương pháp dạy và học hiện nay. Người dạy theo một phương pháp nhưng mỗi học trò lại có một phương pháp học và ghi nhớ khác nhau.

Về phương pháp trình bày, đa phần chúng ta tạo nên những bài mẫu. Điều này sẽ hoàn toàn đúng ở những dạng bài thuộc môn khoa học nhưng sẽ không đúng ở môn tự luận. Khi đưa tự luận vào văn mẫu chúng ta bóp méo khả năng sáng tạo của học sinh. Trong khi mỗi học sinh sẽ có 1 góc nhìn về một vấn đề khác nhau thì giáo viên chỉ “lái” học sinh theo một góc nhìn mẫu, kéo theo đó là điểm đánh giá. Như vậy, học sinh dễ dẫn tới tâm lý hoang mang, áp lực.

Cũng vì tâm lý này mà một bộ phận phụ huynh, giáo viên nảy sinh tư tưởng, phương hướng đoán đề. Mà theo kinh nghiệm của tôi khả năng đoán trúng đề chỉ ở 50%, thậm chí 30%. Với những em học tủ, nếu lệch đề sẽ không làm được bài. Như vậy sẽ là một tai hại. Tôi cho rằng, người lớn không nên chọn hướng đó để làm liều thuốc tăng tốc cho những đứa trẻ trong mỗi kỳ thi.

Ở thời điểm nước rút này, các em lưu ý, với các môn tự nhiên, các em chỉ nên dành thời gian để xem lại công thức, các dạng đề còn chưa vững, không nên học ngày, học đêm đến kiệt sức. Với các môn xã hội, các em nên ôn, nắm chắc kiến thức nền tảng, trách ôn và học thuộc lòng, hay theo văn mẫu như mô hình của các trung tâm luyện thi”.

Chuyên gia phương pháp học Nguyễn Đình Sơn – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh, phụ huynh Hà Nội ‘nín thở’ thi vào lớp 10 chuyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO