Không ít bậc cha mẹ đang lo lắng cho việc học online của con khi kéo dài cả ngày, thậm chí có nhiều em “dán mắt” vào màn hình máy tính để học đến tận 8, 9 giờ tối.
Học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong điều kiện dịch bệnh. Tuy nhiên việc sắp xếp thời khóa biểu học online như học trực tiếp trên lớp, thậm chí có một số giáo viên còn tranh thủ dạy thêm cho học sinh khiến nhiều học sinh cảm thấy bị áp lực.
Lịch học online như học trực tiếp
“Cô ơi sắp hết giờ học chưa cô?”, em Nguyễn Minh Châu, học sinh lớp 7, Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) uể oải hỏi cô giáo trong buổi học thêm Tiếng Anh online. Lúc này, đồng hồ đã chỉ 8 giờ tối. Thấy học trò đã quá mệt, cô giáo động viên: “Cố lên, cô dạy nốt câu này rồi các con nghỉ nhé. Học xong rồi các con đi ngủ luôn cũng được”.
Quay cuồng với lịch học chính khóa cả buổi sáng, chiều học thêm cùng thầy cô trên lớp, rồi tối lại học thêm Tiếng Anh ở trung tâm. Minh Châu chia sẻ, em bị căng thẳng vì ngồi học qua máy tính quá lâu.
Con trai chị Nguyễn Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) năm nay học lớp 5. Ngoài lịch học trên lớp với 3 tiết buổi sáng và 2 tiết buổi chiều, chị còn cho con học thêm 2 buổi Tiếng Anh/tuần. Tất cả đều học trực tuyến.
Chị Hương cho biết: “Thằng bé hay than thở con bị mỏi mắt, đau lưng. Có hôm nịnh mẹ cho con nghỉ 1 buổi học thêm buổi tối. Thấy con ru rú trong phòng, học online từ sáng cho đến tối mà không được gặp gỡ bạn bè, tôi rất thương và chỉ biết động viên con cố gắng khắc phục trong điều kiện dịch bệnh”.
Uể oải, căng thẳng là tình trạng chung của nhiều học sinh khi phải “dán mắt” vào màn hình máy tính để học trong thời gian dài. Theo tìm hiểu, hiện nay không ít trường tổ chức dạy học online cả ngày như dạy học trực tiếp. Một số giáo viên còn tranh thủ dạy thêm, thậm chí cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Mới đây, một số phụ huynh lớp 9A1 Trường THCS Kim Nỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) bày tỏ bức xúc với báo chí vì việc cô giáo chủ nhiệm ép con học thêm trực tuyến ngoài giờ, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Việc học thêm theo hình thức học trực tuyến này diễn ra với các môn: Toán, Văn, Hóa học và Tiếng Anh. Không những thế, nếu học sinh nào học thêm ở chỗ khác sẽ bị cô bắt ngừng ngay việc học. Trước phản ánh của phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các giáo viên liên quan phải dừng ngay việc dạy thêm online, viết kiểm điểm và xử lý viên chức theo quy định.
Đã có nhiều tai nạn thương tích xảy ra trong quá trình học sinh học online như vụ một học sinh ở Hà Nội tử vong do giật điện hồi giữa tháng 9 hay gần đây nhất là một học sinh lớp 5 tại tỉnh Nghệ An tử vong do bị điện thoạt phát nổ khi đang học trực tuyến tại nhà. Nhiều ông bố, bà mẹ bày tỏ mong muốn, việc học online của con sẽ được tối giản hơn, giảm bớt các một số môn học để học sinh không phải nhìn vào màn hình máy tính quá lâu.
Làm gì để học sinh giảm áp lực?
Theo thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021, số cuộc gọi đến Tổng đài đã vượt mốc 500.000 cuộc, tăng 20.000 cuộc gọi/tháng.
Trong số những cuộc gọi tư vấn liên quan đến các vấn đề của trẻ em, một nội dung đáng chú ý, đó là việc học trực tuyến kèm theo thời gian tham gia internet kéo dài có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần và cả thể chất của trẻ em.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra một số nguy cơ khi học sinh học tập ở nhà tương tác với máy tính trong thời gian dài. Theo đó, các số liệu chỉ ra rằng khả năng tập trung chú ý của trẻ khi học trực tuyến không bằng học trực tiếp. Hơn nữa, việc học tập ở nhà thiếu các hoạt động vận động làm tăng căng thẳng cho học sinh. Tâm thế không có nên động lực để chinh phục kiến thức của các em cũng sẽ giảm đi.
Vậy làm thế nào để giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong học tập trực tuyến? Theo PGS.TS Trần Thành Nam, dạy học trực tuyến cần sự chăm chú của giáo viên tới từng học sinh hơn. Giáo viên nên tạo sự hứng thú cho các em với các bài giảng có tính tương tác, game hóa tối đa những đơn vị kiến thức, trở thành những hoạt động thú vị để học sinh tự khám phá và chiếm lĩnh lấy kiến thức.
Đây cũng là khoảng thời gian mà người giáo viên nâng cao năng lực công dân số của mình phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
“Tôi nghĩ rằng nếu các thầy cô, phụ huynh và học sinh đều quan tâm, biết cách chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình và người học thì chúng ta sẽ có một kỳ học thành công bất kỳ ở trong một không gian thực tế hai không gian số”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Về vấn đề dạy học trực tuyến, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cấp học rà soát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Bộ cũng đã có công văn 3280 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, do dịch bệnh, việc học trực tuyến vẫn tiếp tục kéo dài, nhiều giáo viên, phụ huynh cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng riêng một chương trình dạy học trực tuyến phù hợp. Trong đó nêu rõ, những kiến thức trọng tâm, những yêu cầu cơ bản nào học sinh cần đạt được để việc dạy học trực tuyến nhẹ nhàng, hiệu quả và linh hoạt hơn.