Công nghệ

Học sinh, sinh viên cần tự trang bị ‘tấm khiên’ bảo vệ mình trên không gian mạng

Hoàng Chiến 01/08/2024 17:45

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, trước hàng loạt nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng hiện nay, nếu không tự biết trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết, học sinh, sinh viên dễ dàng trở thành đối tượng của những kẻ lừa đảo.

Đối mặt nhiều rủi ro

Không gian mạng giờ đây đã trở thành công cụ không thể thiếu của giới trẻ. Học sinh, sinh viên sử dụng internet, mạng xã hội để thực hiện rất nhiều mục đích khác nhau trong đó có kết nối, học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm,… Các công cụ trên không gian mạng cũng ngày càng phát triển, nâng cấp để đáp ứng tối đa những nhu cầu này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, môi trường mạng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro với nhiều chiêu trò lừa đảo được biến tướng liên tục và xuất hiện thêm nhiều hình thức mới. Theo báo cáo của Dự án phi lợi nhuận Chống Lừa Đảo (Chongluadao.vn), chỉ trong 3 tháng của Quý II/2024, hệ thống của dự án đã ghi nhận xu hướng tăng trưởng số lượng báo cáo của người dùng về tình trạng lừa đảo và tấn công mạng. Theo đó, hơn 31.000 lượt báo cáo về lừa đảo và tấn công mạng đã được ghi nhận tại Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - nhà đồng sáng lập dự án Chongluadao.vn cho biết, học sinh, sinh viên dễ dàng trở thành “con mồi” của những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Hàng loạt những hội nhóm tìm việc nhẹ, lương cao, tuyển cộng tác viên, đầu tư tài chính,… đều tiềm ẩn những nguy cơ bị lừa đảo nếu thiếu tỉnh táo.

anhbiacongnghe2(1).jpg
Có rất nhiều hội nhóm trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, sự phát triển của AI, những hình thức lừa đảo mới như cắt ghép hình ảnh vào các clip đồi truỵ để tống tiền, sử dụng deepfake để giả mạo người thân, bạn bè vay tiền,… cũng được các đối tượng sử dụng.

Ngoài ra, theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, nhiều học sinh, sinh viên thường xuyên sử dụng các phần mềm lậu, có nguy cơ mất thông tin dữ liệu trên máy, thậm chí dữ liệu có thể bị mã hóa. Nghiêm trọng hơn, các bạn có thể mất tài khoản Facebook hoặc tài khoản ngân hàng do không đủ tài chính để mua phần mềm hợp pháp và mong muốn sử dụng phần mềm miễn phí hoặc lậu.

“Đặc biệt, nhiều bạn trẻ có thói quen chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội, điều này là hoàn toàn nguy hiểm. Việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể khiến các bạn bị chiếm đoạt tài sản, giả mạo danh tính, và tống tiền. Kẻ xấu cũng có thể sử dụng thông tin thu thập được để tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo với người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng và tạo ra nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả”, chuyên gia nhấn mạnh.

Trang bị “tấm khiên” trên không gian mạng

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, điều tối quan trọng là cần “chậm lại”, quan sát kỹ lưỡng để nhận diện các dấu hiệu lừa đảo hoặc thông tin giả mạo trên không gian mạng.

Là đối tượng nhanh nhạy với công nghệ, học sinh, sinh viên cần tự mình nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức bảo vệ mình trước sự tấn công của tội phạm lừa đảo, biết nhận diện và phòng tránh các thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến.

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu.

Thường xuyên cập nhật những kiến thức và thông tin mới về các hình thức lừa đảo trên mạng. Bạn có thể tìm kiếm từ khóa "24 loại hình thức lừa đảo trên không gian mạng" do Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ để nắm bắt chi tiết về các phương thức tấn công, lừa đảo và cách phòng tránh.

Ngoài ra, các bạn trẻ có thể tham khảo trang web dauhieuluadao.com để bảo vệ mình trên không gian mạng. Trang web này cung cấp ba bước đơn giản để xử lý các tình huống nghi ngờ lừa đảo: Trước khi hành động, hãy dừng lại và suy nghĩ kỹ lưỡng để đánh giá tình huống, kiểm tra tính xác thực của thông tin bằng cách tham khảo ý kiến từ bạn bè, người thân, hoặc các nguồn đáng tin cậy và nếu phát hiện ra lừa đảo hoặc mối nguy hại, hãy báo cáo ngay lên trang web canhbao.ncsc.gov.vn.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng khuyến khích các bạn trẻ cập nhật kiến thức về an ninh mạng trên trang web khonggianmang.gov.vn. Trang web này cung cấp thông tin về các hình thức lừa đảo mới và cách phòng tránh. Việc nắm vững các kiến thức này không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân mà còn có thể chia sẻ với gia đình và bạn bè, giúp họ cũng nhận thức và phòng tránh các rủi ro trên mạng.

“Đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn của kẻ xấu, tránh mắc bẫy của đối tượng lừa đảo. Đặc biệt, tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân, nhạy cảm trên mạng”, chuyên gia cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh, sinh viên cần tự trang bị ‘tấm khiên’ bảo vệ mình trên không gian mạng