Đó là lo lắng của nhiều phụ huynh khi UBND TP Hà Nội quyết định cho học sinh THPT trở lại trường học trực tiếp vào thời điểm số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng cao, mỗi ngày lên đến hàng trăm ca như hiện nay.
Theo kế hoạch, ngày mai, 6/12, học sinh lớp 10, 11, 12 của các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở các quận, huyện, thị xã có mức độ dịch cấp 1, cấp 2 trên địa bàn TP Hà Nội được đi học trực tiếp. Mặc dù rất mong muốn con được được đến trường nhưng với số ca nhiễm Covid-19 tăng, cao nhất trong đợt dịch, không ít phụ huynh bày tỏ lo lắng, xin lùi lịch học.
Phụ huynh đứng ngồi không yên
Trong tuần qua, để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, các trường THPT trên địa bàn thành phố tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, bảo đảm tiêu chí an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Tỷ lệ học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông) tiêm vaccine đạt 97,7% trong tổng số 1.409 học sinh của trường. Bà Phạm Thúy Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay, trường có 1 học sinh thuộc diện F0, 6 học sinh ở trong khu vực phong tỏa. Các em đều có sức khỏe bình thường, vẫn tham gia học trực tuyến.
Để bảo đảm giãn cách khi học sinh đi học, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ mở cả cổng chính và cổng phụ. Mỗi cổng phân thành 3 luồng, chia theo 3 tòa nhà học. Mỗi luồng đều bố trí cán bộ y tế, giáo viên, nhân viên để đo thân nhiệt, hướng dẫn học sinh di chuyển vào lớp.
Trong sáng hôm nay, 5/12, Trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, các lớp học và phòng chức năng, phòng làm việc; hoàn thiện các điều kiện bảo đảm theo các tiêu chí trường học an toàn.
Ông Đặng Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 2.040 học sinh, tỷ lệ học sinh tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 đạt gần 100%; gần 100% giáo viên của trường đã tiêm đủ 2 mũi.
Về cơ bản, học sinh của trường đều có sức khỏe tốt, không có học sinh nào ở địa bàn có nguy cơ cao hoặc ở khu vực phong tỏa, các em rất phấn khởi khi có thông báo được trở lại trường học.
Được đi học trở lại là tin vui đối với nhiều học sinh, song giữa lúc diễn biến dịch bệnh có xu hướng ngày càng phức tạp, số ca bệnh tăng cao, không ít ông bố, bà mẹ băn khoăn, lo lắng.
“Trong khi số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày lên đến hàng trăm ca cộng đồng thì Hà Nội lại ra quyết định cho các con đi học trở lại. Tôi đang rất lo lắng, không muốn ngày mai con đến trường học trực tiếp vì nguy cơ rất cao”, chị Lương Thu Hương, một phụ huynh có con học lớp 11 quận Cầu Giấy chia sẻ.
Cùng quan điểm như chị Hương, anh Vũ Việt Tú (quận Hoàng Mai) cho hay: “Học sinh THPT mới được tiêm có một mũi vaccine Covid-19. Tại sao thành phố không chọn thời điểm các con được tiêm đủ 2 mũi vaccine mà đã vội ra quyết định cho các con tới trường”.
Lo lắng, không sẵn sàng cho con tới trường vào thời điểm này là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh kêu gọi nhau viết đơn đề nghị nhà trường chưa cho học sinh đi học trở lại.
Nhiều phụ huynh cũng hy vọng rằng, khi phụ huynh không muốn cho con tới trường, thành phố sẽ thay đổi lại quyết định vào phút chót.
Nhiều trường kiến nghị lùi lịch học
Trước lo lắng của phụ huynh, theo tìm hiểu, đến thời điểm này, một số trường học trên địa bàn thành phố đã tính đến phương án lùi lịch học trực tiếp.
Nói về việc đón học sinh trở lại trường vào ngày mai, bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh cho rằng, lo lắng của phụ huynh không phải không có cơ sở vì hiện nay, học sinh chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Dù về tâm lý, cả phụ huynh và nhà trường cũng đều mong học sinh được đến trường sớm nhưng không thể vội vàng, phải đặt an toàn của học sinh lên đầu tiên.
Bà Dương cũng cho biết, lãnh đạo nhà trường đã họp gấp và quyết định làm đơn kiến nghị gửi Sở GDĐT Hà Nội, UBND TP Hà Nội cho phép lùi thời gian học trực tiếp. Về lịch đi học của học sinh, trường Lương Thế Vinh dự kiến sẽ học trực tiếp vào đầu tháng 1 tùy theo tình hình dịch bệnh và tiến độ tiêm vaccine.
Trường THPT chuyên Ngoại Ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng vừa ra thông báo về kế hoạch tổ chức dạy học từ ngày 6/12 đến 19/12. Theo đó, nhà trường tiếp tục kế hoạch dạy học trực tuyến. Dự kiến, học sinh nhà trường sẽ tiếp tục được tiêm vaccine mũi 2 vào ngày 14 và 15/12. Học sinh sẽ quay trở lại trường học trực tiếp (kết hợp với trực tuyến) vào ngày 20/12 để ôn tập và thi cuối học kỳ I.
Chia sẻ, giải tỏa mối lo lắng của một số phụ huynh học sinh khi các con đến trường học vào thời điểm này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin, gần 95% học sinh THPT trên địa bàn thành phố đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, học sinh, giáo viên đã có nhiều đợt trở lại trường nên có nhiều kinh nghiệm; ở mỗi đợt, học sinh đều được hướng dẫn rất chi tiết. Qua kiểm tra, có thể thấy, các nhà trường đã chuẩn bị rất chu đáo về kịch bản cũng như các điều kiện cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch, vì vậy, phụ huynh học sinh hoàn toàn yên tâm.
“Khi học sinh trở lại trường, chúng tôi mong muốn cha mẹ học sinh quan tâm đến sức khỏe của các con, nhắc nhở các con thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Đây là thời điểm quan trọng và ý nghĩa. Khi học sinh đến trường, ngoài việc học kiến thức mới, các thầy cô còn có thể ôn luyện, bổ sung kiến thức đã học trực tuyến, giúp các con chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I. Đây cũng là cơ hội giúp học sinh giải tỏa tâm lý sau thời gian học trực tuyến”, ông Phạm Xuân Tiến cho biết.
Liên sở: Y tế, GDĐT Hà Nội vừa ký ban hành hướng dẫn liên ngành về phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi có trường hợp mắc Covid-19 (F0), tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) trong trường học. Đây là căn cứ để các nhà trường tổ chức tập huấn, phổ biến và thực hiện trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp.
Theo đó, khi phát hiện F0, kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch của nhà trường và báo cáo ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Đồng thời, yêu cầu F0 không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1 mét với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế; hướng dẫn F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn ngay sau khi sử dụng.
Phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó; thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại nhà trường thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện “5K”; phối hợp với cơ quan y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tách F0 để cách ly, điều trị theo quy định; tiếp tục điều tra, truy vết, lấy mẫu, cách ly, rút gọn phạm vi phong tỏa phù hợp với các trường hợp bệnh cụ thể.