Để đảm bảo chất lượng học tập tốt nhất, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Dương đã trở lại học trực tiếp từ 28/3. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trường học đang nỗ lực để thích ứng linh hoạt, duy trì việc mở cửa trường học, đồng thời, nhanh chóng điều chỉnh sang học trực tuyến khi cần thiết.
Giáo viên kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp
Để duy trì việc dạy học, các thầy cô giáo đã nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều từ việc phòng dịch trên lớp học, cả dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến thế nào để học sinh tiếp thu được bài giảng hiệu quả nhất.
Tại những lớp có các em F0, giáo viên vừa dạy trên lớp, vừa bật thiết bị ghi hình để phát trực tiếp cho học sinh ở nhà học tập. Cô Cao Thị Thu Hoài, giáo viên trường tiểu học Bình Minh (Hải Dương) chia sẻ: “Học sinh học ở nhà thường bảo chữ trên bảng khó nhìn, nghe không rõ cô nói, nên cô phải viết chữ lớn, nói to hơn. Vừa kèm học sinh trên lớp, vừa nhắc nhở học sinh học online, sợ các em làm việc riêng, không chú ý. Còn những em không có phụ huynh kèm vào thời gian thầy cô dạy trên lớp, cô lại phải dành riêng 1 buổi khác khác vào cùng ngày để dạy trực tuyến cho các em. Nhưng trong tình hình hiện tại không có cách nào khác, mình phải chịu khó một chút vì học sinh”.
“Cô cũng là F0, đi dạy trở lại thì có lúng túng nhưng may mắn sức khỏe của cô vẫn tốt. Một số cô giáo sau khi bị Covid-19 không thể nói được nhiều, tâm lý không tốt, có phần làm ảnh hưởng đến học sinh. Nhưng cũng phải thông cảm cho giáo viên vì thầy cô phải dạy rất nhiều lớp, nhiều áp lực”.
Học sinh tiểu học trở lại trường có nhiều khó khăn hơn nhưng các thầy cô đều mong muốn không có học sinh nào bị gián đoạn việc học hoặc học lệch chương trình so với bạn bè đang học trực tiếp.
Phụ huynh có nhiều ý kiến trái chiều
Để học sinh đến trường, nhiều phụ huynh vẫn chưa yên tâm vì các con chưa được tiêm vaccine. Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh có con học lớp 1 cho biết: “Khi nghe tin lớp con có 1 học sinh dương tính, tôi lập tức xin cho con nghỉ ở nhà vào ngày hôm sau mặc dù con không phải F1. Tôi không yên tâm khi để con đi học trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Con học trực tuyến tôi vẫn có thể kèm để con học như các bạn, không sợ mất kiến thức”.
Bên cạnh đó, có những phụ huynh mong muốn cho con đi học trực tiếp, do gia đình không có thời gian ở nhà giúp đỡ học trực tuyến, có phụ huynh phải nghỉ làm ở nhà để chăm con; học ở nhà chất lượng học tập không đảm bảo, học sinh không tập trung, chán học, hay chơi điện thoại, máy tính,...
Cô Đỗ Thị Thu Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2B trường tiểu học Bình Minh chia sẻ thêm: “Cứ mỗi lần xin ý kiến của phụ huynh về việc cho con đến trường, thì phụ huynh lại chia làm 2 phe: khoảng 30 phụ huynh tiếp tục cho con đi học, còn hơn 10 phụ huynh báo sẽ cho con nghỉ ở nhà. Rất nhiều ý kiến được phụ huynh đưa ra cho đến khi có văn bản chính thức của Phòng giáo dục”.
“Có phụ huynh khi nghe tin lớp có F0, còn trực tiếp lên chất vấn cô: Sao không để lớp học trực tuyến? Nếu con tôi đi học bị F0 cô và nhà trường có chịu trách nhiệm không?” Tình trạng phụ huynh như trên khiến các nhà trường bối rối, gặp nhiều khó khăn khi tổ chức dạy học.
Khó khăn của những học sinh nhỏ
Học sinh tiểu học có những khó khăn riêng khi đi học trực tiếp.
“Học sinh luôn phải đeo khẩu trang, nhưng nhiều em cứ liên tục cởi bỏ khẩu trang vì nóng, khó nói chuyện với bạn bè,... Giáo viên thường quan sát, nhắc nhở các em đeo khẩu trang, trước khi vào học phải đo thân nhiệt, rửa tay thật kỹ. Những em nhỏ chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên ít khi để ý đến việc an toàn sức khỏe” - cô Phạm Vân Hà, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Lương Bằng (Hải Dương) nói.
“Đặc biệt là hoạt động giờ ra chơi của các em cũng bị hạn chế, các em không được ra sân chạy nhảy, nô đùa, điều này khiến học sinh buồn chán, ít vui vẻ hơn”.
Việc ăn bán trú của học sinh chưa thể tiến hành trong thời gian này. Đây cũng là khó khăn đối với cả phụ huynh và học sinh. Những gia đình đi làm cả ngày, rất khó về đón con vào buổi trưa, rồi chiều lại tiếp tục đưa con đến trường.
“Có khi phụ huynh không thể đến kịp giờ đón con, đành phải nhờ giáo viên ở lại trông giúp đến lúc phụ huynh đón”. Cô Phạm Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Châu (Hải Dương) cho biết. “Công tác bán trú còn khó khăn hơn so với công tác giảng dạy, nhưng với tình hình hiện nay, có thể các trường sẽ tổ chức ăn bán trú vào khoảng cuối tháng 4, vì đó là mong muốn của nhiều phụ huynh học sinh”.
Mới quay trở lại học trực tiếp, nhiều trường tiểu học còn có những khó khăn nhất định chưa thể khắc phục hết, song, với sự chuẩn bị chu đáo, nỗ lực, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cố gắng hoàn thành việc giảng dạy, giúp đỡ học sinh một cách trọn vẹn nhất.