Việc Lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc THPT trong năm học 2022- 2023 đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng, việc lựa chọn tổ hợp môn học với lớp 10 (chương trình và sách giáo khoa mới) không ảnh hưởng gì nhiều với những học sinh đã có định hướng sớm. Vấn đề cần quan tâm lúc này là đổi mới, đa dạng cách dạy và học Sử ra sao, để học sinh dù lựa chọn khối A, D… hay những khối thi khác đều hứng thú với Lịch sử.
Các chuyên gia giáo dục đều rất ủng hộ việc Lịch sử phải trở thành môn học bắt buộc. PGS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử. Không chỉ với học sinh ngồi trên ghế nhà trường, mà ngay cả khi trưởng thành mỗi người cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng nghìn năm hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới. Do đó, chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của các dân tộc. Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa… chỉ là môn phụ. Nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học Sử không phải chỉ để thi.
Nhưng đã có một nếp quen khó bỏ, lâu nay những môn xã hội (Văn - Sử - Địa) thường được quan niệm là những môn học thuộc. Giáo viên soạn giáo án, đến lớp đọc cho trò chép. Môn Văn còn ít nhiều có sức hút, nhưng với môn Sử hoặc Địa, có đặc trưng chung là “khô”, “khó”, nhiều con số, sự kiện buộc phải nhớ, nên học sinh ngại học, ít hào hứng ngay cả ở trên lớp, chứ chưa nói đến tự học ở nhà.
Các giáo viên dạy môn Lịch sử bậc phổ thông đều nhấn mạnh rằng, môn Sử có vai trò quan trọng trong giáo dục tình yêu quê hương đất nước và tự hào về truyền thống dân tộc. Nhưng chính các thầy cô đôi khi cũng loay hoay, gặp khó trong việc đổi mới phương pháp truyền đạt tới học sinh. Không nhiều người làm được như bà Phạm Hồng Lê - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Đam mê lịch sử, bà Lê đã miệt mài tìm tòi, đổi mới sáng tạo không ngừng để làm mỗi giờ học Lịch sử trở nên hấp dẫn, hiệu quả. Đại diện cho ngành giáo dục Thái Bình từng được vinh danh gương đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm 2016-2017, bà Lê chia sẻ: Để thu hút học sinh, bà luôn cho các em sử dụng môn học khác minh họa làm rõ hơn bài học. Không gì cuốn hút hơn khi trong giờ học Lịch sử lại được nghe đọc một đoạn thơ về chiến sĩ Điện Biên “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”…, hát một bài hát về ngày toàn thắng náo nức, vẽ một bức tranh về ngày thống nhất non sông, hoặc quảng bá di tích lịch sử bằng song ngữ… Với phương pháp này, không chỉ những học sinh thích Sử mới hứng thú, mà tất cả học sinh khác cũng thấy hào hứng. Các em không chỉ là người học mà còn trở thành những trợ giảng đắc lực.
Để những giờ học Sử thêm sinh động, bà Lê đã thiết kế tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt trải nghiệm thực địa tại di tích lịch sử địa phương - nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau. Trước mỗi bài giảng thực địa, giáo viên đều phải xây dựng kế hoạch chi tiết, liên hệ với phụ huynh, liên hệ với người quản lý di sản, di tích lịch sử, nghệ nhân... để đảm bảo điều kiện vật chất, tính giáo dục và an toàn khi tiết học diễn ra.
Vậy đổi mới phương pháp dạy Lịch sử thế nào cho hiệu quả? Theo các chuyên gia, một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số học sinh trong môi trường trung học. Thay vào đó, các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải trở nên đa dạng và linh hoạt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo cá nhân học sinh. Việc Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học thực ra không phải là quá nặng. Nhưng mấu chốt ở đây là đổi mới cách giảng dạy chứ không phải cứ là môn học bắt buộc thì học sinh sẽ thích học.
Để chất lượng dạy và học môn Lịch sử được cải thiện, cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học ra sao? Học sinh dù không xét tuyển ĐH bằng môn này vẫn học Lịch sử, không nên có quan niệm không thi khối C, sẽ không học Lịch sử. Yêu cầu đặt ra là cần dạy môn Lịch sử cho học sinh bậc phổ thông thế nào để không nhạt nhòa như hiện nay. Không phải cái gì học cũng phải thi và không phải cứ thi mới cần học. Trong chương trình GDPT mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các nhà trường cần tính đến việc làm sao để gắn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong cách tổ chức dạy học cũng cần thay đổi. Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên, sẵn sàng hy sinh trong công việc các em theo đuổi…
Đơn cử như học Lịch sử ở bảo tàng, cùng với những kiến thức ở sách giáo khoa cũng là một phương pháp tiếp cận Lịch sử hữu ích trong thời đại công nghệ số. Thời gian qua, “Giờ học lịch sử” và “Câu lạc bộ Em yêu lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn là hoạt động thu hút đông đảo học sinh. Hơn 2 năm qua, trong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia chương trình trực tiếp, nên từ năm 2020, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học trực tuyến (dành cho đối tượng học sinh tiểu học và THCS). Với hình thức học Lịch sử trực tuyến, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ Bảo tàng cấp mã là có thể vào Zoom tham gia lớp học. Giờ học Lịch sử trực tuyến cũng được miễn phí, nên đã thu hút sự quan tâm của cả các phụ huynh. Tại lớp học Lịch sử trực tuyến, không chỉ dừng lại ở các con chữ, các thông tin lịch sử, học sinh còn được ngắm nhìn những hiện vật 3D, xem phim hoạt hình, tương tác với giáo viên, trả lời câu hỏi và được nhận những ngôi sao cho các câu trả lời đúng. Học Lịch sử trực tuyến với thông tin, tài liệu, hình ảnh phong phú giúp học sinh chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại… đang là hướng đi phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Những lớp học trực tuyến thú vị không chỉ giúp các em củng cố kiến thức, mà còn thúc đẩy tình yêu của thế hệ trẻ với lịch sử Việt Nam, kể cả những học sinh đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.
Như vậy, đổi mới phương thức dạy và học Sử không khó, quan trọng là thầy - trò và các nhà trường đã thực sự sẵn sàng chưa? Nếu không thay đổi, câu chuyện “bình mới rượu cũ” và điểm số môn Lịch sử sẽ là vấn đề muôn thuở.
(còn nữa)
Môn Lịch sử củng cố các giá trị nhân văn
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, quan điểm Lịch sử phải là môn bắt buộc đã được ông đề cập nhiều lần từ năm 2015. Theo PGS.TS Vỳ, môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Môn Lịch sử cũng củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu.
Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Xét về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THPT có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Và trên thế giới, Lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.