Theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), bắt đầu từ năm học 2022-2023 với học sinh lớp 10 bậc THPT, ngoài 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì các em được lựa chọn 5 môn trong số 3 nhóm môn (Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ và nghệ thuật). Như vậy, Lịch sử cũng thuộc nhóm các môn tự chọn và học sinh lớp 10 có thể không học Lịch sử nếu không muốn.
Việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn trong chương trình GDPT khiến dư luận đặc biệt quan tâm suốt thời gian qua. Theo GS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Lịch sử là môn học cần thiết, không thể coi đây là một môn phụ để lựa chọn tùy thích. Nếu nói ở cấp THCS đã trang bị cho học sinh những kiến thức cốt lõi để đến cấp THPT môn Lịch sử trở thành môn tự chọn, thì thực ra lịch sử vẫn còn rất nhiều vấn đề… Còn PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) bày tỏ quan điểm, không chỉ học đến cấp THCS là đã hiểu về lịch sử mà ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này, vì vậy Lịch sử nên là một môn học bắt buộc. Bác Hồ từng dạy “dân ta phải biết sử ta”, việc am hiểu lịch sử sẽ khiến cho mỗi người dân thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.
Trong báo cáo về “Việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với môn Lịch sử cấp THPT” vừa được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ ngành liên quan - sau khi có nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp THPT là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc, Ủy ban này đã đề nghị Bộ GDĐT tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT, với khối lượng kiến thức phù hợp; Cần thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức Lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).
Theo phân tích từ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, dựa trên 3 khả năng xảy ra khi triển khai chương trình lớp 10 THPT mới tới đây, sẽ có khả năng nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì các em không học tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, THCS và tích hợp ở một số môn học khác. So với Chương trình GDPT 2006, thời lượng học Lịch sử ít hơn 140 tiết.
Chưa kể còn có một thực trạng khác đáng báo động nữa là năm 2021, sau khi Bộ GDĐT công bố điểm các môn thi tốt nghiệp THPT đã thống kê được, với môn Lịch sử có 637.005 thí sinh làm bài thi, trong đó điểm trung bình là 4,97 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 4 điểm. Số thí sinh bị điểm liệt là 540 em, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 331.429 em, chiếm tỷ lệ 52,03%. Nhiều năm qua, việc điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đứng ở vị trí “đội sổ” so với các môn khác phần nào phác họa thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Dư luận lo lắng rằng nếu tiếp tục đưa Lịch sử thành môn tự chọn, liệu có hay không tình trạng càng ngày sẽ càng ít học sinh lựa chọn, thậm chí loại môn học này ra khỏi danh sách các môn học…
Một tín hiệu vui, trong bối cảnh xã hội đang rất quan tâm đến việc quy định môn Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc ở bậc THPT, ngày 26/5, cuộc thi Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức) đã được phát động tại Hà Nội. Hoạt động này đang được kỳ vọng khơi dậy tinh thần ham mê học Lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam.
Lịch sử không đơn thuần là một khoa học, mà còn là điểm tựa cho các quốc gia, các dân tộc tồn tại và phát triển. Vì thế, mỗi người cần phải thấy rằng học sử phải là bắt buộc chứ không thể là tự chọn.