Học online là phương án nhằm đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò trong khi dịch bệnh chưa được kiểm soát tại một số địa phương. Nhưng để trẻ thực sự an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình thì vấn đề rà soát thiết bị dạy học trực tuyến cũng như trang bị cho học sinh các kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp đang được đặt ra cấp thiết.
Nhiều tai nạn thương tâm
Chị Mai Lan, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, chị nghe tin về vụ việc học sinh lớp 5 bị tử vong khi đang học trực tuyến ở Nghệ An vì điện thoại phát nổ khi đang ở cơ quan. “Lúc đó, tôi và các đồng nghiệp đều bàng hoàng, đau xót, thương cho cháu bé và lo lắng cho con em mình bởi hiện nay, các con vẫn đang học online hàng ngày. Hai anh em học cùng lịch vào buổi sáng, nhà chỉ có một máy tính nên một bạn phải học bằng ipad. Nhưng để học liên tục trong 2 tiếng thì hầu như chiếc ipad cũ không đáp ứng được, đến gần cuối buổi học là phải sạc thêm pin” - chị Lan chia sẻ và cho biết, ngay tối hôm qua đã bàn bạc với chồng để mua một máy tính mới vì tính mạng của con là quan trọng nhất.
Liên tiếp các vụ việc thương tâm xảy ra liên quan đến học trực tuyến. Chiều 14/10, em N.V.Q. - học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An học online ở nhà ca từ 15 - 17giờ. Khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, khi Q. đang vừa học vừa sạc điện thoại thì bất ngờ chiếc điện thoại phát nổ, làm cháy sang quần áo. Mặc dù được đi cấp cứu ngay nhưng vì bỏng nặng, em Q. đã không qua khỏi.
Trước đó, tại Hà Nội, một bé trai 10 tuổi cũng bị tử vong do bị điện giật khi đang học trực tuyến trên máy tính. Được biết, trong lúc học em đã bị điện giật do lấy kéo chọc vào ổ cắm điện.
Trên thực tế đã có không ít những vụ việc nạn nhân thiệt mạng do sử dụng điện thoại, máy tính không hợp lý. Song, trong điều kiện các em học sinh sử dụng các thiết bị này để học online thì việc đảm bảo an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Bởi kỹ năng của trẻ em dù thành thạo đến đâu thì trong một số tình huống khẩn cấp các em cũng khó có thể tự mình ứng phó, xử lý được sự cố nên vẫn cần có sự vào cuộc của phụ huynh.
Cần rà soát thiết bị học trực tuyến
Một cô giáo dạy lớp 1 Trường tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Mặc dù nhà trường và giáo viên luôn quán triệt với các bậc phụ huynh phải chuẩn bị đầy đủ thiết bị học trực tuyến trong trạng thái sẵn sàng học. Song qua quan sát, tôi nhận thấy trong lớp có một học sinh, cứ học được khoảng nửa tiếng là bị thoát ra. Ban đầu tôi nghĩ là do mạng kém nhưng sau vài buổi lặp lại như vậy, hỏi học sinh thì hóa ra máy tính bảng của con hết pin, con phải vừa sạc vừa đăng nhập vào học lại.
“Nhận thấy việc này rất nguy hiểm, hết buổi học, tôi phải gọi điện ngay cho phụ huynh để trao đổi. May mắn là phụ huynh cũng nhận ra sự việc và quyết định đi thay pin mới cho máy tính bảng để đảm bảo thiết bị có thể dùng liên tục trong 2 tiếng không phải sạc” - cô giáo này kể lại.
Được biết, trước và trong quá trình học online, các nhà trường và giáo viên đều có khảo sát về thiết bị học trực tuyến của học sinh. Thầy Nguyễn Trung Hiếu - Trường tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: Trường Tứ Hiệp đã thực hiện khảo sát đối với các bậc phụ huynh và được biết là tất cả học sinh đều đầy đủ thiết bị học trực tuyến. Tại lớp 3E thầy chủ nhiệm có 55 học sinh thì 2 học sinh học trực tiếp ở quê, còn lại học online cùng với cả lớp. Trong đó, có 19 bạn học bằng điện thoại còn lại là học bằng Ipad hoặc máy tính. Giáo viên vẫn thường xuyên nhắc nhở học sinh cũng như trao đổi với các bậc phụ huynh trong nhóm lớp về việc kiểm tra thiết bị học, đường truyền mạng, các phần mềm học sao cho hiệu quả… và nhận được sự quan tâm, sát sao của phụ huynh.
“Mặc dù các em đã có thể tự thao tác bật, tắt máy tính, tự đăng nhập vào lớp học… nhưng tôi luôn đề nghị các bậc phụ huynh cùng theo sát việc học với các con thay vì để các con tự bơi, tự loay hoay một mình xử lý các vấn đề mà đôi khi có thể vượt quá tầm xử lý của các em” - thầy Hiếu chia sẻ.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… sau thời gian giãn cách, người dân đi làm trở lại thì việc học của trẻ chủ yếu diễn ra một mình với thiết bị trực tuyến, một số nhà có lắp đặt camera để kiểm soát con nhưng việc này cũng không giúp nhiều nếu có sự cố xảy ra do “nước xa không cứu được lửa gần”.
Vì vậy, việc đầu tiên để đảm bảo an toàn khi học trực tuyến đó là mỗi gia đình cần rà soát lại thiết bị học của con để hạn chế ở mức thấp nhất sự cố có thể xảy ra. Trách nhiệm tiếp theo thuộc về giáo viên phải yêu cầu học sinh bật camera trong suốt buổi học để quản lý các em có đang tham gia buổi học không hay làm việc riêng, có học sinh nào vắng mặt quá lâu hay không… để đề phòng các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Để mỗi ngày học đều an toàn
Anh Nguyễn Nam, kỹ thuật viên điện thoại tại Hà Nội là người có nhiều kinh nghiệm trong sửa chữa, tư vấn kỹ thuật về điện thoại cho biết: Trên thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp nổ điện thoại xảy ra. Lý do là người dùng sử dụng điện thoại có dấu hiệu hỏng hóc (tuổi thọ pin điện thoại đã hết, pin chai, phồng rộp…) cùng thiết bị sạc không đảm bảo (sạc nhái, sạc không tương thích) hoặc chủ ý tác động đến pin thiết bị điện thoại, sạc điện thoại kéo dài.
“Một số gia đình không có điều kiện mua điện thoại mới nên mang sửa các điện thoại cũ để cho con học online. Tuy nhiên, tuổi thọ pin của các điện thoại cũ thường ngắn, không đủ kéo dài hết buổi học nên phải vừa sạc vừa học rất nguy hiểm” - anh Nam cảnh báo và đưa ra lời khuyên với người dùng là chỉ sạc khi điện thoại báo hiệu mức nguồn điện thấp, khoảng 10%, hạn chế sạc qua đêm và đặc biệt là không sử dụng điện thoại trong quá trình sạc pin.
Việc học trực tuyến vẫn có thể còn phải tiếp tục kéo dài với một số địa phương nên những cảnh báo về an toàn khi học trực tuyến, trong đó có việc sử dụng các thiết bị học trực tuyến đảm bảo an toàn là yêu cầu đặt ra với mỗi gia đình, với ngành giáo dục. Vì vậy, trong trường hợp những gia đình quá khó khăn, cần huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị học trực tuyến đảm bảo an toàn, giúp học sinh được tiếp thu kiến thức đầy đủ.
Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các địa phương cũng đồng loạt kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, để mỗi ngày học với các em đều an toàn. Mong sao sẽ không còn có những vụ tai nạn thương tâm như thế này xảy ra.
Các chuyên gia cảnh báo, ngay cả với những gia đình đã có sẵn thiết bị học tập đảm bảo thì việc mạng chập chờn, kết nối kém, thiết bị hỏng, lỗi trong thời gian đang học trực tuyến là chuyện gần như gia đình nào cũng gặp phải. Không nóng vội, bình tĩnh xử lý bằng cách thoát ra đăng nhập lại, kiểm tra lại kết nối mạng, đường truyền internet, khởi động lại thiết bị… Trong trường hợp không vào lớp học được, học sinh/phụ huynh có thể nhắn tin riêng cho cô giáo để nói rõ lý do và chờ người sửa thay vì tự sửa không đúng cách thậm chí mắc những sai lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến tính mạng…