Người chồng của Irma Garcia - nữ giáo viên thiệt mạng trong vụ xả súng ở Texas (Mỹ) đã qua đời vì đau tim khi đang chuẩn bị đám tang cho vợ. Ông Joe Garcia, 50 tuổi, tới thăm nơi tưởng niệm vợ mình vào sáng 26/5 để đặt hoa. Không lâu sau khi trở về nhà, ông đột ngột ngã quỵ. Các bác sỹ cho biết ông Joe qua đời do hội chứng “trái tim tan vỡ”.
Không giống như người bị đau tim thông thường với nguyên nhân là do tắc nghẽn động mạch, người mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” đột ngột giải phóng các hormone căng thẳng khiến tim họ không thể co bóp bình thường. “Những gì được mô tả đối với ông Joe là trường hợp điển hình của hội chứng trái tim tan vỡ”- Tiến sĩ Deepak Bhatt (Bệnh viện Boston) cho hay. Ông Bhatt cũng nói thêm rằng hội chứng “trái tim tan vỡ” thường không xảy ra ngay lập tức. Trong một số trường hợp, nó tới chừng 2 ngày sau tin tức kinh hoàng mà người bệnh nhận được.
Như vậy là hoàn toàn có liên hệ giữa chứng nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử khi mà người đó không chịu nổi nỗi đau nào đó. Nỗi đau giày vò khiến tim loạn nhịp và không kiểm soát được trong thời gian ngắn. Nó không giống với cách nói hình ảnh “trái tim tan vỡ” trong tình yêu, vì đây là nỗi đau đưa đến cái chết thực sự và bất ngờ.
Trở lại với vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Robb, ở thành phố Uvalde (Texsas, Mỹ) hôm 24/5. Khi kẻ sát nhân tiến vào trường và xả súng, hai cô giáo là Eva Mireles và Irma Garcia đã cố bảo vệ học sinh và họ đã thiệt mạng cùng 19 em khác. Vụ xả súng này là một vụ tấn công tại trường học đẫm máu nhất nước Mỹ trong vòng một thập kỷ trở lại đây.
Kẻ sát nhân 18 tuổi mang theo súng trường và súng ngắn tới Trường Tiểu học Robb trước khi nã đạn điên cuồng. Salvador Ramos đã bị lực lượng chức năng bắn hạ sau khi 21 người đã bị y bắn chết. Đây là vụ xả súng tại một trường tiểu học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ vụ tấn công tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut năm 2012, cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có 20 trẻ em.
Vụ việc khiến người dân Mỹ kinh hoàng. Cùng đó là nhiều câu hỏi, nghi ngờ lẫn trách móc. Một trong những trách móc và cũng có thể coi là cáo buộc khi cho rằng cảnh sát ở Uvalde đã quá chần chừ khiến kẻ sát nhân có thời gian để phạm tội. Người ta biết rằng, một số đứa trẻ đã cố gắng gọi cảnh sát nhiều lần, cầu xin sự giúp đỡ. Nhưng cảnh sát lại đợi bên trong trường khoảng một giờ đồng hồ trước khi thực sự đối đầu với kẻ xả súng.
Charles Ramsey - một cựu ủy viên cảnh sát thành phố Philadelphia, nhấn mạnh: “Những đứa trẻ tội nghiệp đã phải gánh chịu vô số thương tích nặng nề, không còn nghi ngờ gì nữa, một số đứa trẻ đã chảy máu đến chết trong khi chờ cảnh sát vào cuộc. Không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho hành động của cảnh sát ngày hôm đó”.
Người ta cũng đã xác định có tới 19 sĩ quan đã đứng ở hành lang trong hơn 45 phút trước khi cảnh sát và đội phản ứng chiến thuật ập vào lớp học tiêu diệt tay súng, có nghĩa là hơn một giờ đồng hồ sau khi vụ nổ súng bắt đầu.
Sau đây có thể kể đến một số vụ thảm sát tại trường học thương tâm trong lịch sử 20 năm qua ở Mỹ.
Ngày 20/4/1999, hai thiếu niên ở Columbine, Colorado, mang theo nhiều loại vũ khí và bom tự chế đến gây rối trường trung học của họ. Kết quả, 12 học sinh và 1 giáo viên đã thiệt mạng, còn 24 người khác bị thương trong vụ thảm sát ngày hôm đó. Columbine là một trong những vụ xả súng ở trường học đầu tiên và chết chóc nhất ở Mỹ.
Ngày 14/12/2012, một nam thanh niên 20 tuổi có bệnh án tâm thần đã tấn công Trường Tiểu học Sandy Hook. 20 học trò nhỏ ở độ tuổi 6 - 7 đã bị bắn chết cùng với 6 người lớn khác. Hung thủ sau đó đã tự sát.
Ngày 14/2/2018, một cựu học sinh 19 tuổi ở Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas - đối tượng từng bị buộc thôi học vì vi phạm kỷ luật, đã quay trở lại trường và xả đạn giết chết 14 học sinh và 3 nhân viên nhà trường. Cũng vào năm 2018, ngày 18/5, tại Trường Trung học Santa Fe, 10 người trong đó có 8 học sinh đã thiệt mạng khi một học sinh 17 tuổi đem theo súng lục để tấn công các bạn học tại vùng ngoại ô Santa Fe, Texas.