Bạn đọc Lang Thị Chiên, xã Đồng Văn (Tân Kỳ, Nghệ An) hỏi: Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, thì người dân tộc thiểu số được hỗ trợ chuyển đổi nghề nếu không có đất sản xuất hoặc không đủ đất sản xuất. Vậy xin được hướng dẫn cụ thể nội dung hỗ trợ này?
Trả lời: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 được ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm có 10 dự án thành phần. Trong đó, Dự án 1 được triển khai nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án gồm 4 nội dung, trong đó có nội dung về hỗ trợ chuyển đổi nghề. Cụ thể: “Trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi nghề”.
Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-UBDT, ngày 21-8-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, ngày 30-6-2022, hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân.
Thông tư nêu rõ, các hộ thuộc đối tượng quy định (hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất) được xem xét, hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác hoặc hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề và được vay vốn tín dụng theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.
Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, danh sách các hộ dân đăng ký phương thức hỗ trợ (bằng tiền, hiện vật hoặc học nghề), UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện gửi cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần).
Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền, UBND cấp xã hướng dẫn các hộ dân tự mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác theo nhu cầu đã đăng ký và thực hiện thanh quyết toán theo quy định. Trường hợp các hộ đăng ký nhận hỗ trợ bằng hiện vật, UBND cấp huyện căn cứ nhu cầu, chỉ đạo đơn vị chuyên môn hoặc UBND cấp xã tổ chức mua sắm theo quy định của pháp luật và thực hiện cấp phát cho các hộ dân. Trường hợp các hộ đăng ký học nghề, UBND cấp huyện tổng hợp, giao đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ sở đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định.