Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ xem xét kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho người lao động thuê nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Những tỉnh nào người lao động được hỗ trợ?
Trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).
Theo đó, điều kiện để nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ là NLĐ phải có hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội, đang thuê trọ tại các khu công nghiệp, chế xuất thuộc bốn vùng kinh tế trọng điểm, gồm 24 tỉnh, thành.
Cụ thể 24 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.
Dự thảo Quyết định có 2 đối tượng được thụ hưởng chính sách, bao gồm: NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp; NLĐ quay trở lại thị trường lao động. Mức hỗ trợ tiền thuê nhà NLĐ đang làm việc là 500.000 đồng/người, tháng (tối đa 3 tháng); bao gồm những người đang ở thuê, ở trọ, có giao kết và thực hiện hợp đồng lao động trước ngày 1/3/2022.
Mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng), bao gồm những người đang ở thuê, ở trọ, có thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng trong khoảng từ ngày 1/3/2022 đến ngày 30/6/2022.
Theo Bộ LĐTB&XH, nguyên tắc hỗ trợ, thực hiện chi trả hàng tháng, trên cơ sở đề nghị của NLĐ và danh sách lao động đề nghị hỗ trợ do doanh nghiệp lập. Tuy nhiên để thuận tiện, giảm áp lực cho doanh nghiệp, trong dự thảo cũng đã quy định doanh nghiệp có thể đề nghị hỗ trợ gộp 2 tháng hoặc 3 tháng. Việc tổ chức chi trả thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Không để trục lợi chính sách
Chủ trương hỗ trợ một phần chi phí tiền thuê nhà trọ cho NLĐ xuất phát từ thực tế, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam, hàng triệu lao động đã rời bỏ các DN, trung tâm công nghiệp, khu chế xuất, dẫn đến khan hiếm, thiếu lao động cục bộ.
Hỗ trợ là giải pháp trước mắt để ổn định lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ phần nào chi phí để NLĐ, công nhân giảm bớt khó khăn, khôi phục lại kế hoạch việc làm, kế sinh nhai và có giải pháp lâu dài về chỗ ở, nhằm giữ chân NLĐ lâu hơn, ổn định hơn.
“Những chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay vốn đào tạo nghề… là nhằm hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động, giải quyết công ăn, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách này không chỉ hỗ trợ NLĐ ổn định công việc mà còn giúp các DN không bị đứt gãy nguồn cung lao động. Đây là một chủ trương kịp thời, phù hợp, để tái khởi động nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát” - ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhà ở là vấn đề bức thiết đối với NLĐ, đặc biệt là công nhân KCX-KCN ở các đô thị lớn. Chi phí thuê nhà chiếm một phần không nhỏ trong các khoản mà NLĐ phải chi.
Vì vậy, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà là rất cần thiết và rất quý đối với NLĐ. Để triển khai việc hỗ trợ này, cần thực hiện nhanh chóng, đơn giản các loại hồ sơ, giấy tờ để tạo thuận lợi cho NLĐ.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng việc xác nhận cũng không hết được đối tượng (trong đối tượng hỗ trợ còn có người không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người mới được tuyển dụng). Về những băn khoăn này, Bộ LĐTB&XH cho biết, mặc dù chính sách đang được xây dựng tuy nhiên, để hạn chế việc trục lợi chính sách vẫn cần sự tham gia của cơ quan bảo hiểm xã hội xác thực lại việc NLĐ có quan hệ lao động, đang thực tế làm việc tại doanh nghiệp.