Báo Đại Đoàn Kết được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen vì có “thành tích xuất sắc trong thông tin tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021”.
Ngày 24/12, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Dự hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương lực lượng báo chí khi là 1 trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Là người trực tiếp vào chỉ đạo chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng cho biết, ông đã tâm sự với nhiều lãnh đạo rằng tiếc rằng, dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nên báo chí không thể tác nghiệp thuận tiện như các sự kiện khác.
Nếu các nhà báo có điều kiện bảo hộ, tạo điều kiện tác nghiệp nhiều hơn chúng ta còn thấy được trong khó khăn gian khổ có nhiều tấm gương, hành động, nghĩa cử, giá trị cao quý và nhân văn của người dân Việt Nam.
“Tôi nói thật lòng các phóng sự báo chí phản ánh nhiều trong các gia đình, bệnh viện nhưng nếu trực tiếp đi vào tâm dịch thời gian ấy nghe từng người nói và nhìn vào mắt từng người dân, các em nhỏ không tả được. Như tôi những ngày nay đêm thỉnh thoảng vẫn giật mình vì những ánh mắt” - Phó Thủ tướng nói.
“Chúng ta cần thực sự tri ân các nhà báo. Trong đó có những nhà báo cả gia đình họ chịu nhiều vất vả trực tiếp, trong đó có nhiều người đã mắc bệnh trong đợt dịch vừa qua. Nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng, động viên nhân dân, tuyên truyền giải thích vì tới đây tình hình sẽ khác trước. Nghe thấy vậy nhưng mấy đêm nay chúng tôi cũng lụp xụp cả. Bây giờ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây đang thiếu ô xy. Chủng mới chưa vào nên giờ cần tăng cường, chuẩn bị hệ thống từ bên dưới. Giải pháp đã có nhưng làm sao tuyên truyền động viên người dân tiêm vaccine để bảo vệ mình và trách nhiệm với cộng đồng - Phó Thủ tướng cho hay.
Ông cũng trải lòng rằng: Lúc đầu vaccine vào Việt Nam chậm hơn các nước là bình thường. Nhưng giờ Đảng, Nhà nước đã lo được vaccine với sự hỗ trợ của người dân và doanh nghiệp đóng góp hiện đã lo đủ vaccine để tiêm mũi 3. Chúng tiêm rất nhanh là nhờ sự tự nguyện của người dân và bây giờ cùng nhau tiếp tục vận động để tiêm chủng. Làm sao giải quyết tình trạng báo hóa tạp chí, kinh tế báo chí, hình thành các “tập đoàn truyền thông đa phương tiện” làm sao cho thực chất, hay chuyển đổi số trong báo chí.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc sắp xếp quy hoạch báo chí hiện đã làm 1 bước, nhưng chuyển thực chất bên trong là cả một quá trình không thể nóng vội. Mục đích quy hoạch là để báo chí phát triển để thực sự là không chỉ tiếng nói của cơ quan chủ quan mà còn là tiếng nói của nhân dân. Những sai phạm của một vài tờ báo phóng viên, một số nhỏ phóng viên là điều buồn nhưng cũng lý được vì tiêu cực xảy ra ở khắp các ngành, và khắp thế giới. Nhưng quan trọng nhất là làm sao ra chính sách quản lý để thực thi quy hoạch. Sau khi bàn rồi làm cho nghiêm, thực chất. Cái gì chưa phù hợp thì kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, tránh tình trạng “văn bản thì như vậy nhưng thực tế thì không phải như vậy”.
Đây là vấn đề trong năm 2022 cần nhìn thẳng vào sự thật, phải tổng kết đánh giá để quy hoạch báo chí làm cho báo chí phát triển, tránh việc chạy theo thị trường quá mức làm lệch lạc, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, muốn báo chí tự chủ trong thời buổi này thì phải tăng giao nhiệm vụ đặt hàng. Một mặt yêu cầu anh em rất cao, cạnh tranh rất khốc liệt với mạng xã hội, trong nước và quốc tế mà không có cơ chế đảm bảo là đặt hàng. Đây là vấn đề năm ngoái đã nói nên Bộ Thông tin và Truyền thông phải là “đầu mối” làm việc với các Bộ, ngành.
Các Bộ, ngành ra chủ trương chính sách thì cần tuyên truyền vận động trước, trong và sau khi ban hành để vận động, truyền thông. Cơ quan chủ động cung cấp thông tin thì cũng phải giao nhiệm vụ đặt hàng cho báo chí. Cái này còn rất vướng. Trong đặt hàng không nên coi “báo lớn, báo nhỏ”, “báo có uy tín truyền thống lâu năm” mà còn có báo đi vào những khu vực độc giả quan tâm đến nó cần lan truyền đến nhiều người nhất.
Là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề Xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí nhiều năm, Phó Thủ tướng trải lòng, trước cạnh tranh của mạng xã hội, thông tin nhanh nhạy tính từng giây. Xã hội luôn vận động, cọ xát sẽ nảy sinh vấn đề có ý kiến khác nhau. Lúc đó cần sự minh bạch thông tin và nhanh nhất có thể.
Muốn thế các cơ quan phải chủ động hơn. Khi theo dõi thông tin trên báo chí và mạng xã hội liên quan đến địa phương, Bộ ngành thì phải chủ động dự báo Bộ này phải chủ động nói cái này, và yêu cầu cơ quan đó chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách chính xác.
“Hội Nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn có thể có văn bản yêu cầu Bộ ngành đó cần cung cấp thông tin một cách chính xác. Khi báo chí chính thống minh bạch thông tin sớm thì nhân dân và công luận sẽ nghe theo. Đây là cái cần phải làm” - Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý: Chuyển đổi số cả xã hội đều nói nhưng quan trọng dữ liệu là sống còn. Các cơ quan báo lớn đã ý thức và hình thành cơ sở dữ liệu của mình. Nhưng không chỉ cơ sở dữ liệu của mình mà vấn đề là năng lực xử lý dữ liệu. Không chỉ ngành mình quản lý mà còn các ngành khác.
Ai cũng thuộc câu “bút sắc” của Nhà báo Hữu Thọ nhưng “sắc” bây giờ phải cao hơn 1 mức. Bây giờ xã hội nói phải “nói có sách, mách có chứng”, chứng cứ không chỉ đơn thuần bằng chữ mà phải bằng số liệu. Đó mới là “cái sắc” trong “số hóa”. Tới đây Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần hỗ trợ các báo về cái này.
Liên quan đến vấn đề gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra nên báo chí cần động viên, định hướng, tuyên truyền vận động toàn dân chống dịch trong bối cảnh cận Tết.
“Bây giờ dịch hiện nay rất khó dự doán, không thể dự đoán gì qua 1 tuần mà luôn thay đổi. Vì vậy báo chí cần bám sát để phản ánh cho đúng, động viên nhân dân thực hiện tốt, chuẩn bị Tết đầm ấm trong bối cảnh dịch bệnh” - Phó Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đã trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 10 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021; và 20 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021.
Báo Đại Đoàn Kết đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì đã có “thành tích xuất sắc trong thông tin tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021”.