Hồi sinh làng nghề Bao La

NGUYỄN QUỐC 12/10/2023 06:59

Trải qua bao thăng trầm, đến nay người dân làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có thể “sống khỏe” với nghề đan lát truyền thống của địa phương, thu nhập được nâng cao, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nghề đan lát mây tre từng bước giúp người dân tại làng Bao La có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Cách trung tâm TP Huế khoảng 15km về phía Bắc, làng Bao La được biết đến là nơi có nghề đan lát nổi tiếng của địa phương. Làng chuyên sản xuất các sản phẩm bằng mây tre đan phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và một số vật dụng dùng để sinh hoạt và trang trí như rổ, rá, đèn trang trí...

Mặc dù đây chỉ là công việc phụ trong những lúc nông nhàn, nhưng nghề đan lát tại làng Bao La vẫn được người dân gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Đến nay, những sản phẩm mây tre đan Bao La đã được nhiều người dân trong và ngoài nước biết đến.

Bà Nguyễn Thị Nguyên (66 tuổi) - người làng Bao La cho biết, bà đã gắn bó với công việc này hơn 50 năm. Trước đây, tranh thủ những lúc nông nhàn, người dân tại làng Bao La làm thêm nghề mây tre đan để kiếm thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Trước năm 2000, người dân chủ yếu làm tự phát, không có sự liên kết nên thu nhập không cao.

Theo bà Nguyên, sau khi Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Bao La được thành lập, nhiều người dân bắt đầu tham gia vào HTX để làm việc. Nhờ đó, công việc ngày càng nhiều, thu nhập của người dân nhờ đó cũng ổn định và cao hơn trước. “So với trồng lúa, công việc đan lát cho thu nhập cao và ổn định hơn, mỗi ngày người dân làm tại đây cho thu nhập từ 140.000 - 150.000/ngày. Dù nắng hay mưa mọi người cũng đều có việc làm. Thậm chí vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều công việc khác bị đình trệ thì tại HTX Mây tre đan Bao La vẫn có việc cho bà con làm ổn định” - bà Nguyên nói.

Gắn bó với HTX suốt nhiều năm qua, ông Ngô Phước (80 tuổi) cho biết, trước đây đời sống của người dân tại làng Bao La rất khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập luôn phụ thuộc vào mùa màng, đời sống rất bấp bênh nhưng từ ngày có HTX, đời sống của bà con thay đổi nhiều, con cái học hành đến nơi đến chốn, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Ông Võ Văn Dinh - Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La cho biết, nghề đan lát tại làng Bao La xuất hiện cách đây khoảng 600 năm. Dù là làng nghề truyền thống và nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, thế nhưng có những thời điểm nghề này gặp rất nhiều khó khăn, mọi hoạt động sản xuất chỉ ở mức cầm chừng.

“Để tránh nguy cơ mai một làng nghề của địa phương, năm 2007, HTX Mây tre đan Bao La được thành lập với định hướng khôi phục và phát triển làng nghề đan lát Bao La gắn với du lịch. Sự ra đời của HTX Mây tre đan Bao La đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương và một bộ phận lao động nông dân. Đến nay, HTX Mây tre đan Bao La có khoảng 130 người dân trên địa bàn tham gia” - ông Dinh cho biết.

Việc ra đời HTX đã giúp làng nghề đan lát Bao La tập trung được nguồn lực, đưa sản xuất đi vào chuyên nghiệp, các sản phẩm chất lượng ngày càng cao. Hiện, HTX đã thiết kế và sản xuất được hơn 500 mẫu mã phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của người dân, HTX cũng sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, bàn ghế... và các mặt hàng mỹ nghệ phục vụ trưng bày trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê.

Theo ông Võ Văn Dinh, thị trường tiêu thụ sản phẩm đan lát Bao La hiện đã được mở rộng ra cả nước, thậm chí xuất khẩu. Đến nay, doanh thu hàng năm của HTX Mây tre đan Bao La tăng từ 10-15%, có năm tăng từ 20-30%. Những năm gần đây, doanh thu của HTX đạt khoảng từ 4,5 - 5 tỷ đồng và dự kiến trong năm 2023, doanh thu ước đạt khoảng 6 tỷ đồng.

“Từ nỗi lo nghề truyền thống của làng có nguy cơ mai một, nay người dân Bao La đã có thể sống được với nghề. Thu nhập của người dân tham gia HTX ổn định ở mức từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Việc giữ gìn và phát huy nghề đan lát truyền thống đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế” - ông Dinh cho biết.

Ông Phạm Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, trong thời gian qua HTX Mây tre đan Bao La đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn xã, thu nhập của bà con ngày một tăng lên, nhờ đó nhiều hộ dân đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo ông Lợi, bên cạnh việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước, những năm qua, HTX Mây tre đan Bao La còn tích cực tham gia, ủng hộ Quỹ “vì người nghèo” của xã, các hoạt động phúc lợi xã hội trên địa bàn, góp phần cùng với chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồi sinh làng nghề Bao La

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO