Đại tướng Mai Chí Thọ là vị đại tướng đầu tiên của lực lượng công an nhân dân (CAND) và là vị chỉ huy giàu kinh nghiệm, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.
Ngày 12/7, tại Hội trường Thành ủy TP HCM, Bộ Công an phối hợp với Thành ủy TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM”.
Hội thảo khoa học được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15/7/1922-15/7/2022).
Dự Hội thảo khoa học có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định - Phạm Gia Túc; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam - Huỳnh Đảm; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ và khoảng 300 đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ, chiến sĩ CAND, đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM và tỉnh Nam Định.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đồng chí Mai Chí Thọ (bí danh Năm Xuân) sinh ra ở Nam Định nhưng cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng đã gắn bó máu thịt với Nam bộ, nguyên là Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
"Hình ảnh đọng lại trong lòng nhân dân, cán bộ chiến sĩ về Đại tướng là hình ảnh của một lãnh đạo gần gũi thân thương, chí tình chí nghĩa. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, đồng chí luôn có mặt ở đầu sóng ngọn gió, được giao nhiều trọng trách và ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc", ông Nên nhấn mạnh.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học, đã nhấn mạnh: Đại tướng Mai Chí Thọ là vị đại tướng đầu tiên của lực lượng công an nhân dân (CAND), là vị chỉ huy giàu kinh nghiệm, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.
Do đó, Trung tướng Lê Quốc Hùng đã đề nghị các đại biểu, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của Đại tướng Mai Chí Thọ, với vai trò là tấm gương sáng tiêu biểu cho tính nhân đạo, cho lý tưởng cộng sản cao đẹp của vị đại tướng công an nhân dân. Kế đến, Đại tướng Mai Chí Thọ với vai trò là người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới công tác công an theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trung tướng Lê Quốc Hùng cũng đề nghị Hội thảo làm rõ nội dung về sự gắn bó giữa đồng chí Mai Chí Thọ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM. Đây là nơi đồng chí Mai Chí Thọ có thời gian gắn bó lâu nhất và có những cống hiến to lớn, với tất cả trí tuệ và tình cảm sâu nặng của mình.
Tham luận tại Hội thảo khoa học, Đại tướng Lê Hồng Anh chia sẻ: “Với cá nhân tôi, ngay từ khi còn là một cán bộ trẻ, mới tham gia phong trào cách mạng nhưng tôi cũng đã sớm được nghe câu chuyện cảm động và rất đáng khâm phục về tấm gương tận tụy, dũng cảm, trí tuệ của đồng chí Năm Xuân. Trong cách cảm nhận và cách nghĩ của nhiều đồng chí, đồng bào, anh Năm Xuân là một nhà lãnh đạo rất sâu sắc với đời sống chiến sĩ và nhân dân”.
Trong những năm đầu Đổi mới, Đại tướng Mai Chí Thọ đã góp phần vào việc xác định và củng cố hướng đi đúng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. “Nói thẳng, nói thật đã trở thành phong cách của Đại tướng. Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn luôn canh cánh những suy tư, trăn trở về việc nước, việc dân”. Cũng theo Đại tướng Lê Hồng Anh, trong những lần tiếp xúc cá nhân khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Công an thì bao giờ Đại tướng Mai Chí Thọ cũng chia sẻ những trăn trở về việc làm sao để xây dựng lực lượng CAND thực sự vì dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học, ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chia sẻ, Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước (là em trai của đồng chí Lê Đức Thọ) tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP Nam Định). Quê hương của Đại tướng là một xã nhỏ nằm ở phía nam sông Đào, cách TP Nam Định khoảng 2km. Nơi đây là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời và nền văn hóa phong phú, đa dạng mang tính thuần phác rất đặc trưng của Bắc bộ. Chính những nét đẹp truyền thống của gia đình đã có ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, trí tuệ, nhân cách của Đại tướng sau này. “Quê hương Nam Định tự hào đã sinh ra đồng chí Mai Chí Thọ, một người cộng sản kiên cường, mẫu mực”, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định xúc động.
Về vai trò của Đại tướng Mai Chí Thọ đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng cho biết, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Ban Quân sự miền Đông, đồng chí Mai Chí Thọ đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Để giải quyết vấn đề trang bị, vũ khí gây thanh thế cho lực lượng vũ trang miền Đông, đồng chí đã chỉ đạo tiến hành trận tập kích căn cứ Tua Hai (Tây Ninh).
Thắng lợi của trận Tua Hai đã mang lại số lượng vũ khí lớn cho các đơn vị lực lượng vũ trang miền Đông, trở thành "phát pháo hiệu" khởi đầu cho phong trào Đồng Khởi trên địa bàn này, là thắng lợi đầu tiên của đấu tranh vũ trang trong cao trào Đồng Khởi.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, trong giai đoạn hoạt động tại Nam bộ, nhất là tại Sài Gòn - TP HCM là nơi Đại tướng gắn bó lâu nhất và có những cống hiến to lớn, với tất cả trí tuệ và tình cảm sâu sắc của mình.
"Ngay trên đất Sài Gòn - Trung tâm chính trị, quân sự của địch, đồng chí Mai Chí Thọ đã đóng góp xuất sắc trong việc tổ chức và chỉ đạo hệ thống tình báo từ buổi đầu chống Mỹ và góp phần mở đầu cho phong trào Đồng Khởi ở Nam bộ", ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từng là cán bộ Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định kể lại giai đoạn Đại tướng Mai Chí Thọ được giao phụ trách phong trào đô thị tại Nam bộ, là Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định. “Ở cương vị này, đồng chí Mai Chí Thọ đã chỉ đạo khắc phục những yếu kém của phong trào đô thị được Hội nghị Bình Giã (tháng 1/1927) vạch ra và chuẩn bị mọi tình huống để đưa phong trào đô thị phát triển thành cao trào cách mạng quyết liệt, rộng lớn”.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, ngày 1/4/1975 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức họp, quyết định tập trung lực lượng để giải phóng Sài Gòn với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định lúc đó do đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư được phân công chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt để khi thời cơ đến, phát động quần chúng nổi dậy và tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ cơ sở đến trung ương. “Lúc đó, đồng chí Mai Chí Thọ đã chỉ đạo Ban Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị về những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng” cùng với nhận thức và quán triệt sâu sắc tinh thần “thời cơ 20 năm mới có một lần”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Viết Thanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM: “16 năm gần gũi làm việc với đồng chí Năm Xuân để lại trong ký ức tôi rất nhiều lưu niệm không thể nào quên. Một lần đồng chí gọi tôi cùng đi thăm một số nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, tôi được báo cáo và chiều hôm trước thì sáng hôm sau lên đường…Những nơi đến thăm, đồng chí Năm Xuân đều trao đổi, lắng nghe cặn kẽ ý kiến của anh em, nhắc nhở thường xuyên những công việc quan trọng”.
Là đồng đội, đồng chí cùng thời kỳ, ông Võ Viết Thanh cho biết: “Đồng chí Mai Chí Thọ luôn lưu ý cán bộ, chiến sĩ công an khi có quyền lực coi chừng để rơi vào hai loại quan liêu. Một là quan liêu vất vả, làm việc đầu tắt mặt tối nhưng hiệu quả rất thấp,…Hai là quan liêu, hách dịch, thường thể hiện người có quyền lực”.
Kết luận Hội thảo khoa học, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15/7/1922-15/7/2022), Hội thảo khoa học đã nhận được hơn 100 báo cáo tham luận trong và ngoài lực lượng CAND, thể hiện nhiều tư liệu lịch sử quý giá và tình cảm, kỷ niệm quý báu giữa đồng chí Mai Chí Thọ và lực lượng CAND, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM và quê hương Nam Định.
Các tham luận và phát biểu của đại biểu đã khẳng định một lần nữa Đại tướng Mai Chí Thọ là nhà lãnh đạo xuất sắc của lực lượng CAND, Đại tướng đầu tiên của CAND. "Ở bất kì vị trí công tác nào, đồng chí luôn thể hiện là người lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội".
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh: "Những chỉ đạo của Bộ trưởng Mai Chí Thọ cho đến hôm nay vẫn còn nhiều giá trị thực tiễn quan trọng, vạch ra hướng đi chiến lược cho khoa học công an, tạo bước phát triển mới cho khoa học công an và thực sự là công cụ để thực hiện các mục tiêu an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an".
Nhân dịp này, đại diện gia đình Đại tướng Mai Chí Thọ - bà Phan Thị Thanh Xuân, con gái ruột của Đại tướng đã phát biểu bày tỏ xúc động và gửi lời cảm ơn chân thành, sự trân trọng của gia đình đối với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Thành ủy TP HCM nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình - Đại tướng Mai Chí Thọ./.