Năm 2015, lần đầu tiên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) chủ trương tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm và hội thi tay nghề cấp tỉnh, thành nhằm lựa chọn những thiết bị tiêu biểu để tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2016. Mục đích của Hội thi nhằm phát huy tính sáng tạo của giáo viên, học sinh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề đồng thời phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao của các doanh nghiệp.
Các thí sinh trình diễn mô hình thiết bị tự làm.
Các giáo viên và học sinh thông qua việc tự làm các thiết bị đào tạo tự làm được ứng dụng trên lớp giúp học sinh tiếp cận kiến thức và kỹ năng tay nghề nhanh chóng và hiệu qủa hơn so với dạy “chay”. Hội thi tay nghề cũng là dịp giúp các thí sinh trao đổi kinh nghiệm học tập, rèn luyện tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật, an toàn vệ sinh lao động nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội nũ cán bộ, giáo viên, học sinh của các cơ sở dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Hồ Thanh Hải, trưởng phòng đào tạo nghề (Sở LĐTBXH Cần Thơ) nhận định: Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng hội thi đã thu hút được 13 trường nghề, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp dạy nghề trên địa bàn thành phố Cần Thơ tham dự thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí, tự động hóa, dược, nông nghiệp,…. Các cơ sở dạy nghề có nhiều cố gắng chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức cũng như kỹ năng nghề cho các học sinh tham gia hội thi. Hầu hết các bài thi có bước chuẩn bị nội dung khá chu đáo, hồ sơ đầy đủ, đáp ứng theo yêu cầu của ban giám khảo. Các thiết bị tự làm mang đến hội thi không chỉ tạo thuận lợi cho công tác dạy nghề mà còn mang lại hiệu qủa kinh tế cao như mô hình dạy nghề cắt gọt kim loại; hàn của khoa công nghệ trường đại học Cần Thơ. Thông qua hội thi không chỉ giúp bổ sung những thiết bị còn thiếu mà việc tự thiết kế đồ dùng dạy học còn thúc đẩy phong trào tự nghiên cứu trong đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động. Hội thi TBĐTNTL dựa trên các yêu cầu: dễ làm, nguyên vật liệu dễ kiếm, đơn giản và dễ ứng dụng, đem lại hiệu quả cao, góp phần giúp các giáo viên hình thành ý tưởng và thiết kế những thiết bị, phần mềm thật sự hữu ích, gần gũi, mang tính ứng dụng cao.
Thí sinh thi tay nghề chăm sóc sắc đẹp.
Về hội thi thiết bị đào tạo tự làm, các đơn vị mang đến hội thi 45 thiết bị, phần mềm được phân chia thành 4 tiểu ban chuyên môn: Điện –Điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ tự động hóa và Nông nghiệp-Dịch vụ. Các thí sinh và nhóm tác giả phải thuyết minh hồ sơ thiết bị và trả lời câu hỏi của ban giám khảo đặt ra tại các tiểu ban chuyên môn. Đối với hội thi tay nghề, trong số 80 thí sinh của 15 đơn vị dự thi, các thí sinh thi 11 nghề gồm: lắp đặt điện. giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, công nghệ thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế trang web, nấu ăn, điện tử, tự động hóa công nghiệp và chăm sóc sắc đẹp.
Theo đánh giá của ban tổ chức, mô hình trồng rau thủy canh theo hướng an toàn sinh học của nhóm tác giả Trường Trung cấp Nghề Thới Lai được chuẩn bị khá công phu với các loại rau được trồng theo phương pháp thủy canh trên hệ thống ống dẫn nước tuần hoàn cung cấp dinh dưỡng cho cây tạo được ấn tượng với nhiều đại biểu. Người xem có thể tiếp cận được với phương pháp và kỹ thuật trồng rau thủy canh trực quan và ứng dụng nhanh chóng, dễ dàng.
Kết qủa hội thi, có 34/45 thiết bị, phần mềm đạt giải trong đó có 4 giải nhất, 3 giải nhì, 10 giải ba, 17 giải khuyến khích. Mô hình hệ thống lọc sinh học tuần hoàn của nhóm tác giả ở Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ được xét đạt giải nhất nhờ hệ thống này được áp dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, nhằm xử lý hiệu quả chất thải, đảm bảo sản phẩm chất lượng nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Với mô hình thu nhỏ này, người học có thể dễ dàng nghiên cứu để hiểu rõ quy luật biến đổi các tính chất lý học, hóa và sinh học trong môi trường nuôi thủy sản, nguyên lý vận hành hệ thống lọc từ đó, giúp nguời học có khả năng sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn để cải tạo và quản lý môi trường nuôi, làm tăng sức đề kháng, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm vật nuôi.