Nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười cho rằng, sống là đam mê, và với anh sân khấu tuồng và múa hát cung đình chính là hơi thở của sự đam mê mà anh có được
Gần nửa cuộc đời sống chung với ánh đèn sân khấu, cảm nhận được từng cung bậc cảm xúc của nhân vật, nhưng đôi lúc đó cũng là sự đa đoan khi đã “trót mang nghiệp diễn vào thân”.
Tuy vậy, suy cho cùng, đối với người nghệ sĩ, sân khấu chính là lẽ sống của họ, nơi có đầy đủ hạnh phúc và khổ đau…
Cam chịu tất cả, nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười cho rằng, sống là đam mê, và với anh sân khấu tuồng và múa hát cung đình chính là hơi thở của sự đam mê mà anh có được.
Quen biết nhau khá lâu, và cũng như quen luôn cái chất nghệ sĩ “cam chịu để được đam mê” như anh thường tâm sự, có lẽ vậy nên khi viết về anh, trong tôi đã hiện nguyên bức tranh toàn cảnh về đời sống nghệ sĩ của anh mà không cần đến một hình vẽ cảm quan bằng giác quan thứ sáu.
Bởi rằng, anh là con người chỉnh chu với từng vai diễn trên sân khấu, nhưng đôi lúc anh chẳng cần quan tâm đến hình thức của bản thân bên ngoài cuộc đời thật.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười bảo, tuồng Huế đã được hồi sinh, được trở về với môi trường diễn xướng nguyên thủy, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình anh vẫn lo, anh mơ hồ về một ngày mai loại hình nghệ thuật này không còn thế hệ kế cận.
Cũng đúng thôi, ngày xưa anh đến với nghệ thuật tuồng Huế bằng trái tim của chàng trai xa xứ trở về quê cũ, anh kể: anh có quê quán ở một làng ven đô xứ Huế, nhưng được sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng. Dù vậy, dòng máu của mảnh đất thơ ca vẫn chảy trong huyết quản của anh.
Năm 1995, nghe tin Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế tuyển diễn viên để thành lập đoàn nghệ thuật cung đình nhằm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của triều Nguyễn, anh khăn gói về Huế thi tuyển và anh là người được lựa chọn. Định mệnh và đam mê của anh cũng bắt đầu từ đó.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười tâm sự, vì đã xác định theo “nghiệp diễn” nên anh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, luôn cầu thị và học hỏi các nghệ sĩ đi trước, tiếp thu các tinh hoa của các bậc nghệ nhân, các giáo sư đầu ngành của nghệ thuật tuồng. Đáp lại tấm chân tình, anh được họ truyền nghề nghiệp một cách thấu đáo và trở thành một diễn viên chuyên nghiệp.
Từ đây, nhiều vai diễn “tuồng cổ”, tuồng mẫu” đã gắn liền với cuộc đời anh như: Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Mao Ất trong tuồng “Sơn Hậu”, Tạ Ngọc Lân trong tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn”, Châu Thương trong trích đoạn: Quan Công thu phục Châu Thương, Châu Thương trong trích đoạn: “Quan Công đại chiến Bàng Đức”, Ốc trong vở “Nghêu - Sò - Ốc - Hến”, Lý Phụng Đình trong vở “Lý Phụng Đình”, Châu Thương trong “Châu Thương cấy râu”, Tư Sanh trong “Trương Ngáo đòi nợ Phật”, Ông Sinh trong vở "Tình trong mơ", Phùng Quang trong vở "Trò đời nghiệt ngã",… từng vai diễn được anh hóa thân và sống hết mình với nhân vật.
Thời gian và sự cố gắng không ngừng của Nguyễn Văn Mười đã được đền đáp xứng đáng khi anh hóa thân vào vai diễn Lão Tạ trong vở tuồng “Ngọn lửa Hồng Sơn” và được trao huy chương vàng tại "Liên hoan nghệ thuật Tuồng truyền thống toàn quốc, năm 2011", anh nói, đây là niềm vui hạnh phúc mà nghiệp tổ đã dành cho anh.
Và những cố gắng của anh không dừng lại ở đó, bởi vì cũng trong năm 2011 này anh tiếp tục được trao huy chương bạc khi hóa thân vào nhân vật Tư Sanh trong vở tuồng “Trương Ngáo” tại "Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất, năm 2011".
Có thể nói, dưới ánh đèn sân khấu – Thánh đường của người nghệ sĩ, Nguyễn Văn Mười ngày một trưởng thành hơn, bởi sau một thời gian không tham gia tranh tài trong các cuộc hội thi, hội diễn sân khấu, năm 2018 tại "Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và dân Ca Kịch toàn quốc 2018" nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười đã được trao Huy chương Bạc khi tham gia trở lại với vai diễn Phùng Quang trong vở diễn “Trò đời nghiệt ngã”; năm 2019 tại "Liên hoan Tuồng và dân Ca Kịch toàn quốc 2019" với vai diễn ông Sinh trong vở tuồng “Tình trong mơ” anh tiếp tục được trao huy chương bạc. Tất cả như một sự khẳng định bằng tình yêu với “nghiệp diễn” từ trong trái tim sâu đậm của anh.
Theo NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười là một trong nhưng gương mặt xuất sắc, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật diễn xướng cung đình trong đó có tuồng Huế.
Ngày tôi gặp nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười, cổng thành Đại Nội khép kín và im lìm như chính nỗi buồn nàng cung nữ. Bởi, Huế đang phải thực giãn cách để phòng chống dịch Covid-19. Anh nói, đã nhiều ngày rồi anh và các diễn viên khác vẫn mãi mê tập luyện nhưng không được diễn, buồn lắm.
Nhìn nghệ sĩ Nguyễn Văn Mười một mình say sưa tập luyện trên sân khấu, mình nhể nhãi mồ hôi trong cái nắng gay gắt của đất miền Trung giữa mùa dịch, tôi tin rằng cuộc sống rồi sẽ trở về với quỹ đạo”, để những người như nghệ sĩ Nguyễn văn Mười được sống trọn vẹn với hơi thở của đam mê.