Sáng 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định (có hiệu lực từ 1/9) đặc xá 3.035 người đủ điều kiện, trong đó 3.026 phạm nhân đang chấp hành án, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án và 6 người đang được hoãn chấp hành án.
Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết, đợt đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước.
Ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, công tác đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đối với người bị kết án phạt tù, vừa nghiêm minh trong xét xử đối với người phạm tội, đồng thời nhân đạo đối với những phạm nhân cải tạo tốt, có những đóng góp trong quá trình cải tạo, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị tòa án nhân dân các cấp của Việt Nam tuyên phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam.
Việc đặc xá không phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào, cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xét đặc xá. Không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xét đặc xá.
Tại buổi Họp báo, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong số 3.026 phạm nhân được Chủ tịch nước đặc xá lần này có 283 phạm nhân thuộc tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ được qui định trong Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi năm 2017).
Trong số 283 phạm nhân được đặc xá thuộc các tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã nộp số tiền 24 tỉ đồng để thực hiện các bản án dân sự và bồi hoàn dân sự.
Người nộp nhiều nhất là phạm nhân Trần Khắc Hiệp (cựu Trưởng Ban quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn) tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) đã nộp 10 tỉ đồng.
Cũng theo Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, trong tổng số phạm nhân được đặc xá lần này có một số phạm nhân đã thực hiện bản án dân sự và chấp hành quy định về khắc phục hậu quả với tổng cộng 80 tỉ đồng. Trong các phạm nhân được đặc xá có 19 phạm nhân quốc tịch nước ngoài, với 7 quốc tịch khác nhau.
Cùng với đó, trong đợt đặc xá lần này, có 499 người dân tộc thiểu số của Việt Nam, 314 phạm nhân là người có tôn giáo.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cũng cho hay, thực hiện chủ trương đặc xá, các lực lượng đã triển khai đồng bộ và quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật cho người được đặc xá.
Các phạm nhân đặc xá sẽ được tiêm vaccine Covid-19, xét nghiệm nếu âm tính thì sẽ được đảm bảo việc di chuyển về địa phương an toàn. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng chuẩn bị, tạo điều kiện với hơn 300 doanh nghiệp đã đồng ý tiếp nhận những người được đặc xá để tạo công ăn việc làm cho người được đặc xá sớm tái hòa nhập cộng đồng.