Những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn với khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường thế giới. Nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đã chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh đó rất cần kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với các nhà phân phối quốc tế.
Tham gia buổi họp báo giới thiệu công bố chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023), do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức ngày 7/9 ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho biết, doanh nghiệp (DN) có sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp nhưng để bán chạy thì cần phải quảng bá.
Bảo đảm tiêu chuẩn cho các hãng hàng đầu thế giới
Theo ông Lữ, DN nên tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại để có cơ hội giới thiệu hàng hóa tới các đối tác, tới người cần mua hàng.
Thực tế cho thấy nhiều DN Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài đã có khả năng nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến trong chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cần bảo đảm truy xuất nguồn gốc, thông qua đó bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu cho các hãng hàng đầu thế giới.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, diễn ra từ ngày 13 đến 15/9 tới đây có sự góp mặt của các tập đoàn phân phối như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… chính là cơ hội lớn để DN Việt giới thiệu hàng hóa cho các nhà phân phối, từ đó ngành hàng xâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cũng cho biết, thời gian qua, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi phối hợp chặt chẽ với Vụ châu Âu - châu Mỹ, TPHCM để mời DN, các nhà phân phối tham gia sự kiện và DN Việt Nam có thể tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội.
Mở thêm các ý tưởng kinh doanh mới
Xuất khẩu hàng hóa thông qua hệ thống phân phối ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2022. Thông qua các kênh phân phối lớn, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã lên kệ các siêu thị lớn tại Pháp, Australia, Nhật Bản, Thái Lan... Hàng hóa được bày bán đều là nông sản nổi tiếng của Việt Nam như: vải thiều, nhãn, chuối, nước mắm... và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng. Nhiều thương hiệu của DN Việt Nam như Bibica, Vifon, Trung Nguyên cũng đã thành công trong việc bán hàng ở xứ ngoài, với căn nguyên sản phẩm của DN Việt đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng.
Theo đại diện Tập đoàn Aeon tại Việt Nam, mục tiêu chính của họ là tìm kiếm các DN sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu.
Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho biết, quan điểm mua hàng của Aeon đơn giản là, làm sao để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Ví dụ với ngành dệt may, theo ông Shiotani, sản phẩm may mặc có khả năng cạnh tranh là sản phẩm đến từ quy trình sản xuất tích hợp.
Trong khi đó, ông Phạm Tùng Linh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đức Giang cho biết, 6 tháng đầu năm DN dệt may rất khó khăn, tuy nhiên từ quý III trở đi có dấu hiệu tích cực. Khi thị trường khó khăn, DN đã mở rộng tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mới. Qua đó DN kỳ vọng sẽ kết nối được các kênh phân phối quốc tế. Hiện, bên cạnh thị trường xuất khẩu, Đức Giang cũng tập trung phát triển thị trường trong nước, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của Aoen Việt Nam.
Để xuất khẩu nhiều hơn nữa
Ông Olivier Langlet - Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail (DN lớn trong ngành bán lẻ của Thái Lan) cũng cho biết, đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương Việt Nam để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối tại nước ngoài. Central Retail tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”. Trong đó, nông sản, thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail đang tích cực tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam. Những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ blockchain; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, DN cần phải tìm hiểu xu hướng mới trong sản xuất và tiêu dùng của thế giới. Chẳng hạn tại Bỉ và EU xu hướng tiêu dùng, thực phẩm đều hướng đến sản phẩm xanh sạch. Sản phẩm dệt may, da giầy cũng hướng tới xanh, sạch, bền vững với môi trường. Do vậy, DN cần có sự chuyển hướng trong đầu tư để chuyển đổi sản xuất. Hiện, DN Bỉ ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. DN Bỉ tìm đối tác để sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và cùng bán hàng ở Việt Nam và bán hàng ra nước ngoài.
Đại diện các nhà bán lẻ nước ngoài khẳng định, Việt Nam có nhiều sản phẩm tiêu dùng được người nước ngoài ưa thích. Tuy nhiên, tại các thị trường “khó tính” như Nhật, EU, Mỹ… có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các DN.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc phát triển hiệu quả hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Wall Mart, Aeon, Central Retail, Lotte và MM Mega Market… còn là kênh xuất khẩu trực tiếp hữu hiệu, bền vững, đưa các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đến tay hàng triệu người tiêu dùng trên thế giới thông qua các hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Hóa giải khó khăn để tăng cường xuất khẩu
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), việc kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ngay tại thị trường Việt Nam là hoạt động hết sức quan trọng đối với DN trong nước.
PV: Thưa ông, đối với thị trường xuất khẩu Âu Mỹ, chúng ta có những khó khăn gì?
Ông TẠ HOÀNG LINH: Xuất khẩu đã và đang chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do vậy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Mỹ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã thấy DN đang nỗ lực hóa giải để vượt qua khó khăn đến từ việc đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Chúng tôi cũng đã tìm mọi cách để hỗ trợ, giúp DN tận dụng được các hiệp định thương mại đã ký kết, thông qua các cơ chế hợp tác khác để thúc đẩy sự phát triển của DN, xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Thưa ông, Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu tại thị trường này đang suy giảm?
- Quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ tăng trưởng khả quan. Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ năm 2022 đạt giá trị 109,38 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 22,6%. Do vậy, làm sao để khai thác được thị trường này, xây dựng được có những nhóm khách hàng và kênh phân phối mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của họ. Để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Mỹ, DN phải gặp cạnh tranh rất lớn; muốn đẩy mạnh xuất khẩu được vào thị trường Mỹ phải chuyển đổi xanh, đáp ứng được các tiêu chí xanh, sản xuất bền vững.
Giải pháp của Bộ Công thương để tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu cũng như giúp các ngành hàng lấy lại đà tăng trưởng khi xuất khẩu sang khu vực châu Âu- châu Mỹ, thưa ông?
-Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ thông qua các cơ chế hợp tác, tiếp tục vận động chính sách với các đối tác thương mại nhằm tháo gỡ các rào cản tiếp cận thị trường để hạn chế tối đa gánh nặng về chi phí cho nhà sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, yêu cầu các nước đối tác tăng cường đối thoại để làm rõ các yêu cầu, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu và áp dụng lộ trình thực thi phù hợp để DN Việt Nam có thời gian chuyển đổi; hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể cho các DN thích ứng với các quy định mới.
Mặt khác, Bộ Công thương sẽ tiếp tục có những đề xuất cụ thể với đối tác thị trường khu vực châu Âu - châu Mỹ, đề nghị phía đối tác hỗ trợ kỹ thuật thông qua các chương trình cụ thể, giúp nâng cao năng lực DN, xây dựng mô hình sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ... Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, cũng như hỗ trợ DN trong việc tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xin lưu ý lại, việc kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế ngay tại thị trường Việt Nam là hoạt động hết sức quan trọng nhằm hỗ trợ DN và càng có ý nghĩa hơn với mục tiêu trung và dài hạn khi Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng xu hướng đa dạng hóa của chuỗi cung ứng quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hồ Hương(thực hiện)