Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Tổ chức Mines Advisory Group Việt Nam (MAG Việt Nam) vừa ký bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng và nâng cao năng lực trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Theo thiếu tướng Trần Trung Hòa - Tổng giám đốc VNMAC, việc ký kết bản ghi nhớ này là cơ sở để MAG chia sẻ chuyên môn kỹ thuật với VNMAC thông qua công tác đào tạo, hợp tác, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, tổ chức các chuyến thăm thực địa để tích lũy kinh nghiệm rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác chính thức giữa hai bên nhằm nỗ lực chung tay khắc phục hậu quả bom mìn trên lãnh thổ Việt Nam.
MAG đã đem lại an toàn và cơ hội xây dựng lại cuộc sống, sinh kế và tương lai cho hơn 20 triệu người tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thuộc 70 quốc gia trên thế giới. Từ kinh nghiệm trên, MAG sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực để VNMAC trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam.
Trước đó, MAG đóng góp thiết thực và có hiệu quả vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại hai tỉnh Quảng Trị (từ năm 1999) và Quảng Bình (từ năm 2003), hai địa phương có mức độ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước.
Theo VNMAC, thời gian qua diện tích đất ô nhiễm bom mìn đã giảm nhanh, diện tích đất sạch bàn giao cho người dân tăng nhanh, số vụ tai nạn và nạn nhân bom mìn giảm… Dù vậy, theo khảo sát được công bố năm 2018, nước ta vẫn còn hơn 6,13 triệu hecta đất bị ảnh hưởng vì ô nhiễm bom mìn vật nổ (chiếm gần 19% diện tích đất tự nhiên cả nước). Chính vì vậy, việc kí kết hợp tác đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.