Các HTX ở Chợ Mới luôn chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm OCOP từ Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm".
Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, tiếp cận với những chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh và của Chính phủ; định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng liên kết. Đồng thời, khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất để kết nối bao tiêu sản phẩm, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và Nhân dân trên địa bàn.
Mô hình cũng được triển khai mạnh mẽ tại huyện chợ Mới. Theo đó, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện 4 dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP với việc tiếp tục xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm, như: Rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả; gạo và các sản phẩm từ gạo; chè và sản phẩm chế biến từ cây chè; sản phẩm từ cây dược liệu; du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng...
Đồng thời xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP. Các đề tài/dự án dựa trên nhu cầu cụ thể của các chủ thể kinh tế. Khuyến khích ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng. Ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống và ứng dụng công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm (tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc,…).
Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP cũng được tỉnh quan tâm với việc củng cố các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình. Đồng thời, vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia OCOP.