Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra CCHC; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thời kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao để tiến tới nền hành chính phục vụ.
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xin bà chia sẻ những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016 - 2020.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác CCHC của TP được Thành ủy, HĐND, UBND TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba khâu đột phá, được chỉ đạo quyết liệt, sát sao. Quá trình triển khai thực hiện đã có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các đoàn thể; đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, tạo chuyển biến rõ nét, toàn diện trên các lĩnh vực. Chính vì vây, trong những năm gần đây, chỉ số CCHC của TP Hà Nội luôn giữ thứ hạng rất cao, trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) đều xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hầu hết các chỉ tiêu theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ đã hoàn thành và về đích sớm; góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của Thủ đô.
CCHC của Thủ đô đã thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trong xã hội, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đời sống và an sinh xã hội được quan tâm.
TP đã trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, tin cậy, tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực như quản lý đô thị, chiếu sáng, cây xanh; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ phát triển; hạ tầng và ứng dụng CNTT được đẩy mạnh đầu tư, từng bước hình thành những yếu tố cơ bản của chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
CCHC là quá trình đổi mới không ngừng, đòi hỏi luôn sáng tạo, đi trước. Đối với vị thế là Thủ đô, theo bà Hà Nội có những sáng kiến, đột phá gì nổi bật về CCHC trong thời gian vừa qua?
Trong giai đoạn vừa qua, công tác CCHC của Hà Nội đã xuất hiện nhiều sáng kiến, đột phá, tiên phong do TP triển khai, được Trung ương, các Bộ, ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao như: TP là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai sớm, tích cực xác định vị trí việc làm theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ. TP là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ quản lý nhân, hộ khẩu; đồng thời khai thác hiệu quả phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội và Công an Thành phố trên cơ sở chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư. Địa phương đầu tiên triển khai đồng bộ xác định chỉ số CCHC cấp xã và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện. Hà Nội là địa phương đầu tiên quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã…
Các cơ quan, tổ chức nhà nước của TP đã thực hiện giải pháp gì để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ thưa bà?
TP Hà Nội xác định những giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới như sau:
Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên đối với công tác CCHC; đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối với công tác CCHC. Đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện CCHC, trực tiếp chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác CCHC ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình quản lý và địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi.
Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về CCHC, kỹ năng, kiến thức, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong việc giải quyết công việc với công dân và tổ chức; nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Kết hợp việc đào tạo, bồi dưỡng với thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức để rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn. Tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý chuyên ngành Thành phố; thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý.
Đổi mới phương thức và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Giảm mạnh hội họp và giấy tờ hành chính, mở rộng việc giao ban, họp trực tuyến; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết công việc và giải quyết TTHC, tăng hiệu quả lao động.
Đẩy mạng cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ để tăng thu nhập (ngoài lương) bảo đảm ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xã hội hóa dịch vụ công, từng bước giảm chi lương viên chức từ ngân sách nhà nước.
Tăng cường công tác kiểm tra CCHC; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời làm rõ, đánh giá được những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đổi mới công tác đánh giá, phân loại, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức theo các tiêu chí cụ thể, gắn với chất lượng, hiệu quả công việc.
Thời gian tới Hà Nội sẽ định hướng thế nào trong CCHC để Hà nội thực sự có nền hành chính vì dân phục vụ thưa bà?
Trong thời gian tới, công tác CCHC của thành phố tập trung vào những trọng tâm sau đây:
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng tới việc dự báo các chính sách, đảm bảo tính khả thi trong việc ban hành văn bản để các quy định, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, thiết lập môi trường pháp lý bình đẳng, trong sạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể hóa và tổ chức thành công, hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao mục tiêu phục vụ nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, văn hóa và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Cải cách chế độ tiền lương cho CBCCVC nhằm tạo động lực làm việc và bảo đảm cuộc sống, bên cạnh các cơ chế đãi ngộ, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC theo quan điểm tạo thuận tiện phía người dân; thí điểm chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần một số dịch vụ hành chính công cho các tổ chức ngoài nhà nước thực hiện; nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong đầu tư công. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục, thể thao. Thực hiện có hiệu quả cơ chế khoán, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung khối giáo dục chuyên nghiệp.
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, xã hội số và nền kinh tế số; từng bước chuyển đổi số toàn diện tiến tới hình thành cơ chế quản lý, điều hành của chính quyền địa phương không giấy tờ, giúp nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn bà!