Kinh tế

Hướng đi bền vững cho thương mại công nghiệp

Minh Quân 25/04/2025 09:08

Thương mại toàn cầu tái cấu trúc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, thì các tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) không còn là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết, định hướng cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ kinh tế xanh.

Thúc đẩy ESG trong hội nhập

Theo giới chuyên gia kinh tế và môi trường, khi mà các yêu cầu ngày càng gia tăng của cơ quan quản lý trên thế giới (CBAM, CS3D...) và tại Việt Nam (QĐ13/2024/QĐ-TTg về kiểm kê Khí nhà kính), đã có những tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp (DN) trong quá trình vận hành hoạt động. Và đáng nói hơn, trước chính sách thuế đối ứng ngày càng siết chặt từ Mỹ, DN Việt buộc phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nơi các tiêu chuẩn ESG, Net Zero được xem là yêu cầu bắt buộc, sức ép chuyển đổi xanh ngày càng hiện rõ trong mọi ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

1 Net Zero 24-4 sang
1 Net Zero 24-4 sang

Trước thực tế trên, việc xây dựng hình ảnh với các nhà đầu tư ngày càng có xu hướng cân nhắc đến các yếu tố ESG, Net Zero trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, đánh giá rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong quy trình cấp tín dụng, theo định hướng và quy định từ ngân hàng. Vẫn theo giới chuyên gia, để chuyển đổi ESG một cách toàn diện, có hệ thống, thì các DN, mà đặc biệt là DN thương mại và công nghiệp, những động lực tăng trưởng trọng yếu của nền kinh tế, cần có sự đầu tư bài bản, xây dựng chiến lược ESG phù hợp với đặc thù ngành nghề và tình hình thực tế của mình mới có thể đạt chuẩn hoặc nắm bắt được các xu hướng cập nhật. Tuy nhiên, việc chuyển đổi có thể bắt đầu từ những bước nhỏ, thiết thực và DN không đơn độc trên hành trình đó.

Vì chiến lược Net Zezo

Chia sẻ dưới góc độ DN, bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Giám đốc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (Xanh SM) cho hay, Xanh SM được thành lập nhằm hưởng ứng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Sau 2 năm hoạt động, công ty đã ghi nhận hơn 300 triệu chuyến xe và tạo việc làm cho khoảng 100.000 tài xế. Không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh, Xanh SM còn giúp giảm hơn 211.000 tấn CO₂ phát thải ra môi trường. Khảo sát thực tế cho thấy nhiều DN vận tải, sau khi chuyển đổi sang xe điện, đã ghi nhận mức giảm lên tới 40% chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng.

Trong khi đó, theo ông Jason Wu - Tổng giám đốc mảng kinh doanh năng lượng số khu vực Đông Nam Á, Công ty Công nghệ Huawei, chuyển đổi xanh không phải là cuộc chạy nước rút, mà là một hành trình bền bỉ cần sự đồng lòng và hợp tác lâu dài. Huawei cam kết sát cánh cùng Việt Nam trên con đường hướng tới trung hòa carbon với kích hoạt các công nghệ tiên tiến, đào tạo đội ngũ chuyên gia chất lượng và xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Huawei mong muốn trở thành đối tác công nghệ của Việt Nam - ứng dụng đổi mới toàn cầu để góp phần xây dựng các khu công nghiệp không phát thải Net Zero.

Đại diện Techcombank chia sẻ, đơn vị này đã triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi ESG dựa trên 3 trụ cột, cung cấp giải pháp tài chính xanh và bền vững (Green Financing, Green Bond, SLL), kết nối DN trong chuỗi giá trị bền vững và tư vấn nâng cao năng lực ESG. Đồng thời, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tư vấn quốc tế và cơ quan nhà nước để giúp DN tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi xanh và xây dựng lộ trình Net Zero hiệu quả. Việc tích hợp ESG không chỉ giúp DN đáp ứng yêu cầu quốc tế, mà còn nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, thu hút đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động và tạo dựng giá trị dài hạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, ESG với 3 trụ cột là Môi trường, Xã hội và Quản trị đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá sự phát triển của DN và quốc gia. Người tiêu dùng, nhà đầu tư và cộng đồng sẽ ngày càng chú trọng đến các yếu tố ESG trong mọi quyết định của mình. Điều này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, mà còn góp phần thu hút đầu tư và định hình năng lực phát triển bền vững của DN và cả nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc đối mặt với những thách thức về môi trường, xã hội và quản trị là điều tất yếu. Và để ESG thực sự đi vào thực tiễn, đặc biệt là với các DN vừa và nhỏ, cần có lộ trình tiếp cận phù hợp với điều kiện và năng lực hiện tại của từng đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đi bền vững cho thương mại công nghiệp