Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Trong khi đó dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA.
Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn rất khó khăn do dịch Covid-19 và EVFTA vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp. Theo ông Phạm Tuấn Anh– Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, FTA này mang lại nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam, đặc biệt là đối với các DN xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới,…
Trong đó, thủy sản là mặt hàng chịu thuế cao của EU. Việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay hoặc có lộ trình với hầu hết các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm sẽ tạo điều kiện cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có sức cạnh tranh hơn so với các nước có lợi thế xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Philippines,…
Đối với ngành da giày, mức thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam hiện là 12,4%. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc có xuất xứ Việt Nam sau 3-7 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Các sản phẩm giày dép còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với ngành dệt may, mức thuế suất bình quân EU đang áp dụng đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là 12%. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với hầu hết nguyên vật liệu ngành dệt may, và xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình 3-7 năm đối với quần áo thành phẩm các loại.
Các sản phẩm nông sản nhiệt đới là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam lại không phải là mặt hàng được bảo hộ lớn của EU. Vì vậy, khi EU xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực theo cam kết EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng kim ngạch hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực vào thị trường này.
Tuy nhiên, có điều đáng bàn là khi tận dụng được EVFTA, doanh nghiệp được lợi song hàng loạt các nhóm hàng sẽ liên tiếp giảm thuế suất xuống còn 0% dẫn đến nguồn thu từ xuất nhập khẩu đối diện với sự sụt giảm. Xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam trong các FTA là không tránh khỏi nhưng sẽ được bù đắp bằng kết quả của việc thực hiện các biện pháp điều hành chính sách liên quan đến thuế nội địa một cách hợp lý và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt.