Mặt trận

Hướng tới Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống Báo Đại Đoàn Kết (25/1/1942 - 25/1/2024): 82 năm đồng hành cùng đất nước

Lê Ái 20/12/2023 07:57

Trải qua lịch sử 82 năm, Báo Đại Đoàn Kết ở thời kỳ nào cũng xứng đáng là tiếng nói của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tờ báo trưởng thành, đồng hành cùng với đất nước với sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

chuyen-muc-82-nam.jpg
Hành trình 82 năm của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

LTS: 82 năm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết (25/1/1942 - 25/1/2024), dù dưới nhiều tên gọi khác nhau nhưng ở giai đoạn nào, tờ báo cũng đứng ở vị trí tiên phong, không ngừng phát triển, xứng đáng là tiếng nói của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng và dựng xây đất nước. Kể từ số báo này, Báo Đại Đoàn Kết mở chuyên mục Hướng tới Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống Báo Đại Đoàn Kết.

Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào. Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Khuổi Nặm, Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng, Trung ương Đảng đã nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm giành độc lập với khẩu hiệu: Độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết. Ngày 19/5/1941, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập tổ chức Mặt trận: Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp đoàn kết toàn dân tộc. Các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh đều mang tên cứu quốc (Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Văn hóa cứu quốc...). Chương trình Việt Minh nêu rõ các nhiệm vụ đấu tranh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao.

Để tuyên truyền giáo dục đường lối cứu nước của Đảng và Chương trình Việt Minh, ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc, cơ quan cổ động của Mặt trận Việt Minh ra số đầu, tại làng Xuân Kỳ, nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Là cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), song Báo Cứu Quốc lại do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng trực tiếp phụ trách từ năm 1942 đến năm 1944 và từ năm 1944 do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút.

Từ số đầu tiên đến khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công và công bố danh sách Chính phủ lâm thời (28/8/1945), Báo Cứu quốc chỉ có 30 số (từ năm 1942 đến năm 1943 có 9 số, năm 1944: 9 số và năm 1945: 12 số), nhưng Báo Cứu Quốc tự hào vì đã đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, giành độc lập, tự do trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong đấu tranh, hoạt động bí mật, cơ quan Báo Cứu Quốc đã phải chuyển địa điểm nhiều lần: Kim Anh (Phúc Yên), Thuận Thành, Tiên Du (Bắc Ninh), Hạ Dương, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội), Vạn Phúc (Hà Đông), Chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây), Thu Quế (Đan Phượng, Hà Đông). Với sự đùm bọc của nhân dân, của các tổ chức đảng và Mặt trận, với tư cách là người chiến sĩ cách mạng, những người làm Báo Cứu Quốc đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà mốc son chói lọi là Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau ngày lễ Độc lập, với trách nhiệm và cũng là niềm tự hào, Báo Cứu quốc số ra ngày 5/9/1945 đã đăng toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Báo cũng đăng lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và lời thề của quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đó là những tài liệu vô cùng quý giá ở một thời điểm thiêng liêng của dân tộc và cách mạng; có giá trị lớn lao đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và khoa học lịch sử, với lịch sử Đảng, lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam và đối với nhiều ngành khoa học xã hội khác khi cần phải trở lại đúng bản gốc của Tuyên ngôn độc lập.

Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám cùng với Tuyên ngôn độc lập và sự ra đời Nhà nước cách mạng kiểu mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Báo Cứu Quốc xuất bản công khai tại Hà Nội và trở thành tờ nhật báo lớn nhất thời bấy giờ. Báo thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của kháng chiến. Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên đăng khoảng 400 bài báo của Bác Hồ với nhiều bút danh khác nhau. Trong nhiều năm liền, Người viết chuyên mục "Chuyện gần xa" trên Báo Cứu Quốc với bút danh "Ð.X". Sau này trong cuốn “Tuyển tập Xuân Thủy”, Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá: “Ðó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta".

Đầu năm 1964, trước yêu cầu xây dựng một tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Báo Cứu Quốc cử Tổng Biên tập Trần Phong (tức Kỳ Phương) cùng các đồng chí Tống Đức Thắng, Thái Duy (Trần Đình Vân) vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng. Ngày 20/12/1964 Báo Giải Phóng ra số đầu tiên vào đúng dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960). Báo Giải Phóng gồm 12 trang in hai màu, đồng loạt xuất hiện trong vùng giải phóng, vùng ven, vào nội đô Sài Gòn và ra Hà Nội qua đường Phnôm-pênh, thổi lên một hồi kèn thúc giục quân dân cả nước về một tinh thần giải phóng, báo hiệu một cao trào cách mạng mới.

Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ đã được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (3/1965), lần thứ 12 (12/1965) xác định. Những trận thắng quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Quảng Nam (26/5/1965), Vạn Tường, Quảng Ngãi (8/1965); mùa khô 1965 - 1966, mùa khô 1966 - 1967 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) đã được Báo Giải Phóng phản ánh đầy đủ; điều này không chỉ có ý nghĩa cổ vũ mà còn có giá trị về phương diện chính trị, lịch sử và công tác báo chí.

Báo Giải Phóng không chỉ là cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, báo còn phản ánh tiếng nói và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Từ ngày 6/6/1969, báo còn là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Đồng chí Thép Mới làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng từ năm 1969 đến 1971.

Có thể nói, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng luôn là những tờ báo đi đầu trên mọi mặt trận. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết - cơ quan Trung ương của MTTQ Việt Nam.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với tư cách là tờ báo của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận.

Gần 82 năm qua, bên cạnh sự đóng góp to lớn của tờ báo đối với đất nước, với dân tộc là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết khẳng định, Cứu Quốc, Giải Phóng chính là niềm tự hào thiêng liêng của Đại Đoàn Kết, là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng Việt Nam. Cứu Quốc, Giải Phóng cũng là sức mạnh nội sinh để Đại Đoàn Kết vượt qua mọi khó khăn, vững vàng tiến về phía trước. Nối tiếp truyền thống lịch sử hào hùng của Cứu Quốc, Giải Phóng, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục phát huy tiếng nói của mình, tiếng nói của đoàn kết, tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của sự đồng lòng để cùng dân tộc hiện thực hóa khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường.

Ngày này cách đây 63 năm, 20/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nhằm tập hợp, đoàn kết đồng bào đấu tranh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đây cũng là tiền đề để Báo Giải Phóng ra đời (20/12/1964). Chọn dấu mốc lịch sử này để kể lại hành trình 82 năm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết chính là niềm tự hào thiêng liêng. Truyền thống vẻ vang của Báo Cứu Quốc, Giải Phóng để lại cho Đại Đoàn Kết là trung thành với đường lối lãnh đạo của Ðảng, tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - MTTQ Việt Nam, tuân theo những lời dạy quý báu của Bác Hồ về nghề báo và coi trọng xây dựng một đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ, đồng thời có đạo đức, phẩm chất tốt, dũng cảm, năng động và sáng tạo.

z5199741056809_0f923f18a2aefa09838ee317db395a23.jpg
all_logo_geleximco-06.png
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống Báo Đại Đoàn Kết (25/1/1942 - 25/1/2024): 82 năm đồng hành cùng đất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO