Tin vui đã đến với người hâm mộ bóng đá khi quyết định đổi tên CLB Viettel thành Thể Công Viettel được công bố chính thức. Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, cái tên Thể Công sẽ trở lại với giải VĐQG của Việt Nam.
Thể Công vốn là tên viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao công tác đội". Vào ngày 23/9/1954, thể theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khi đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đoàn Công tác Thể dục Thể thao Quân đội được thành lập. Hạt nhân đầu tiên của đội Thể Công gồm 23 cán bộ chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân I, được chia làm 3 đội: Bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền.
Thể Công được xem là "tượng đài" và cũng là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, cũng như thể thao Việt Nam. Thể Công là đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam khi đã 5 lần đoạt chức vô địch quốc gia (1981-1982, 1982-1983, 1987, 1990, 1998), giành một Siêu cup Việt Nam (năm 1999), một lần vô địch giải hạng Nhất (năm 2007) và từng được ví là "ĐTQG thu nhỏ".
Thể Công là hình ảnh của đội bóng mang trên mình màu áo lính với đặc trưng là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hết mình cho dù đối thủ có mạnh hơn mình nhiều lần. Thể Công gần như không có đối thủ trong suốt thời gian dài. Trong khoảng thời gian đó, lứa cầu thủ tiêu biểu của Thể Công gồm: Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải… với đa số là lứa cầu thủ trẻ được đi tập huấn dài hạn ở Triều Tiên năm 1967 và khi về nước họ là những cầu thủ tiêu biểu, xuất sắc hàng đầu quốc gia.
Thể Công là thương hiệu mang đến nhiều hoài niệm với người hâm mộ bóng đá cả nước. Các thế hệ cầu thủ tài danh như: Trương Tấn Bửu, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Trần Văn Khánh, Nguyễn Hồng Sơn... từng làm nức lòng bao thế hệ cổ động viên. Thể Công là tượng đài bóng đá Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ. Hai tiếng Thể Công đã khắc sâu vào tâm khảm hàng triệu người hâm mộ cả nước, đặc biệt với những gia đình từng có người ra trận.
Đáng tiếc là do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, CLB bóng đá Thể Công không còn giữ được thành tích ổn định và phải xuống hạng vào năm 2004. Có lịch sử hào hùng nhưng từ khi V.League ra đời, Thể Công không có thành tích cao. Năm 2004, đúng dịp tròn 50 năm tuổi, họ bị đánh bật khỏi giải đấu này, phải xuống chơi ở giải hạng Nhất. Năm 2007, đội bóng quân đội vô địch hạng Nhất, trở lại V.League và gây ấn tượng mạnh nhờ lứa cầu thủ được đào tạo dài ngày ở Đức và Bulgaria.
V.League 2009, Thể Công đặt chỉ tiêu vô địch. Để có thể đi tới đích này, đội đã chi tới 75 tỷ đồng - số tiền kỷ lục mà một CLB dùng trong một mùa ở V.League. Nhưng tham vọng của Thể Công bất thành. Họ sớm bị loại khỏi cuộc đua vô địch.
hậm chí hết 13 lượt trận đầu tiên, họ còn nằm trong số những đội có nguy cơ xuống hạng. Thể Công chỉ trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng sau trận thắng bị cho là tai tiếng trước Đà Nẵng đã đủ điểm đăng quang. Hình ảnh đó được cho là không xứng đáng với truyền thống hào hùng của Thể Công.
Và rồi điều gì đến cũng phải đến, như không muốn "sát muối" thêm vào những nỗi đau và chỉ muốn người ta nhớ đến Thể Công với một hình ảnh "cơn lốc đỏ" thật đẹp. Vì lẽ đó, ngày 25/9/2009, Bộ Quốc phòng chính thức ra quyết định xóa tên Thể Công, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng quân đội. Tháng 11/2009 Thể Công được tỉnh Thanh Hóa mua lại và sát nhập với CLB bóng đá Thanh Hóa sau 55 năm là biểu tượng.
Cái tên đội bóng đá Thể Công không còn hiện diện. Hậu duệ của Thể Công chính là CLB bóng đá Viettel do chủ sở hữu là Tập đoàn Viễn thông Quân đội quản lý. CLB Viettel được xem là lứa kế cận của các đàn anh Thể Công. Mùa giải 2012, Trung tâm bóng đá Viettel chính thức thành lập lại đội 1 tham dự Giải bóng đá hạng Ba quốc gia.
Năm 2014, Tập đoàn Viettel đã đổi tên Trung tâm bóng đá Viettel thành Trung tâm Thể thao Viettel. Năm 2016, khi Viettel lên chơi ở giải hạng Nhất, khán giả đã đưa cái tên Thể Công trở lại trên các khán đài. Từ băng rôn, cờ, khẩu hiệu đều xướng tên Thể Công. Tất cả đều hy vọng vào lứa cầu thủ trẻ của Viettel sẽ đưa cái tên Thể Công trở lại.
Sau 6 năm đội bóng đi lên từ giải hạng Ba, năm 2018 đội bóng Viettel đã vô địch giải hạng Nhất quốc gia và giành suất thăng hạng lên V.League 2019. Kể từ khi thăng hạng lên chơi tại V.League, Viettel luôn nằm trong top đội bóng có thành tích tốt và giành chức vô địch vào năm 2020. Chỉ mất 2 mùa giải, tại V.League 2020 CLB Viettel đã đăng quang ngôi vô địch - giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Gần 15 năm qua, dưới sự đầu tư mạnh mẽ của Tập đoàn Viettel cùng tâm huyết của các thế hệ cầu thủ Thể Công xưa, Trung tâm Thể thao Viettel đã tập trung phát triển bóng đá chuyên nghiệp, hiện đại, lấy con người làm gốc của sự phát triển, đã tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện cầu thủ bóng đá bài bản.
Nhiều tài năng trẻ xuất sắc của Trung tâm Thể thao Viettel đã góp phần tạo nên sự lớn mạnh của đội bóng. Năm 2023, Trung tâm đã đóng góp 31% nhân sự các cấp cho ĐTQG Việt Nam. Thành công của Viettel là nhờ tiềm lực tài chính tốt và đặc biệt, Viettel chú trọng đến công tác đào tạo trẻ và đã giới thiệu được nhiều gương mặt có chất lượng cho bóng đá Việt Nam như: Hoàng Đức, Đức Chiến, Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Khuất Văn Khang...
Thể Công - cái tên chứa đựng truyền thống, vinh quang, niềm tự hào, tình cảm yêu mến của biết bao thế hệ. Đã có lần, nhiều người cùng yêu mến và hoài nhớ Thể Công đã mở cuộc vận động để đội bóng đá Viettel lấy lại tên là Thể Công, nhưng việc đó chưa thành. Tuy vậy, là hậu duệ của Thể Công, Viettel vẫn được gọi với biệt danh là “Cơn lốc đỏ” đã có từ thời Thể Công.
Ngày 21/11, quyết định đổi tên CLB Viettel thành CLB Thể Công-Viettel được công bố chính thức. Sự trở lại của cái tên Thể Công tại giải bóng đá chuyên nghiệp là sự ghi nhận của Bộ Quốc phòng đối với nỗ lực, quyết tâm và cách làm bóng đá căn cơ, bài bản của Viettel trong suốt thời gian qua. Lãnh đạo CLB Viettel hy vọng rằng khi cái tên Thể Công trở lại, các khán đài sân Hàng Đẫy sẽ được lấp kín trong mỗi trận đấu của đội bóng này.
“CLB bóng đá Thể Công - Viettel tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần không ngại gian khó mà nhiều thế hệ CLB Thể Công đã dày công vun đắp nhiều năm qua.
Xây dựng mạnh mẽ hơn nữa lối chơi Thể Công, tinh thần Thể Công, phải luôn ra sân với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, “Thắng không kiêu, bại không nản”, góp phần đưa thương hiệu Thể Công - Viettel lên một tầm cao mới”, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh trong ngày chính thức đưa cái tên Thể Công trở lại sân chơi V.League.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng khẳng định: CLB Thể Công - Viettel xác định mục tiêu giữ gìn bản sắc người lính đá bóng, xây dựng CLB thành một đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam với sứ mệnh chinh phục trái tim người hâm mộ, góp phần làm dày lên thành tích của thể thao Quân đội và là đội quân tiên phong đóng góp cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Ở mùa giải năm nay, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh, CLB và Trung tâm Thể thao Viettel phải mơ những giấc mơ lớn hơn, khát vọng phải mạnh mẽ hơn. Truyền thống của Viettel là năm sau làm gì cũng tốt hơn năm trước, chinh phục những mục tiêu cao hơn trước, do đó Viettel FC không được hài lòng với chỉ top 3 giải V.League hay giành huy chương Cúp Quốc gia.
Sau khi đổi tên thành Thể Công - Viettel, thầy trò HLV Thạch Bảo Khanh càng có thêm động lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu vào top 3 V.League và vào chung kết cúp Quốc gia 2023/24. CLB xác định xây dựng lối đá cuốn hút, hấp dẫn người xem và thể hiện bản sắc Viettel, tinh thần người lính.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẳng định, tên gọi mới CLB Thể Công - Viettel sẽ được sẽ được sử dụng trong hệ thống các giải bóng đá trong nước ngay mùa giải 2023 - 2024. Mục tiêu của đội là top 3 và vào chung kết Cúp Quốc gia. Với tên gọi mới Thể Công - Viettel, đội bóng này chắc chắn sẽ nhận được thêm rất nhiều sự yêu mến của khán giả ở nhiều lứa tuổi.