Huyện U Minh (Cà Mau): Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Thế Trân 13/11/2023 13:00

Huyện U Minh (Cà Mau) xác định, xây dựng nông thôn mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Địa phương đã chú trọng ứng dụng công nghệ số vào nhiều mặt trong xây dựng nông thôn mới và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

U Minh là huyện vùng sâu của tỉnh Cà Mau, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quán triệt, không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo ở tất cả các mặt công tác nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, tập trung xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế…, để kết nối giao thương, chăm sóc sức khoẻ và nâng cao dân trí. Góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh cho hay, vai trò của nông thôn mới rất quan trọng, đem đến cuộc sống ấm no cho người dân. Với mục đích đó, huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các cấp, chú trọng đầu tư, xây dựng mạng lưới hạ tầng nhằm hướng đến lợi ích của người dân địa phương. “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 là mục tiêu mà địa phương hướng đến. Nếu làm tốt công tác chuyển đổi số sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững”, ông Thịnh cho biết.

Anh Đỗ Hoài Bảo ứng dụng công nghệ số vào mua bán mật ong.
Anh Đỗ Hoài Bảo ứng dụng công nghệ số vào mua bán mật ong.

Việc ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới ở huyện U Minh đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: ý thức chấp hành của người dân nâng lên; các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của địa phương được bán trên môi trường mạng ngày càng phổ biến, được khách hàng nhiều nơi biết đến; khách du lịch biết đến huyện U Minh ngày một nhiều hơn; tình hình an ninh trật tự được giữ ổn định…

Ông Nguyễn Văn Quốc, người dân ngụ huyện U Minh đánh giá: “Chuyển đổi số đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn. Trước đây, người dân làm sao biết được mua bán hàng hoá qua các trang mạng, App bán hàng trực tuyến hoặc đăng ký thủ tục hành chính, phản ánh những ý kiến bức xúc thông qua ứng dụng CaMau-G (chính quyền điện tử). Giờ chỉ cần ngồi ở nhà là có thể mua bán, trao đổi mọi thông tin qua các ứng dụng công nghệ số, tôi thấy rất hiệu quả”.

Huyện U Minh đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông.
Mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ phát triển ở huyện U Minh.

Ông Dương Chí Linh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh cho biết, ứng dụng công nghệ số đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Bà con bắt đầu quen dần với công nghệ. “Hiện nay, lĩnh vực khuyến nông đã có một phần mềm được cài đặt riêng cho người dân sử dụng trong lĩnh vực này. Khi có vấn đề liên quan cần được hỗ trợ, người dân chỉ cần vào App điền thông tin mình cần là sẽ được giải đáp cặn kẽ”, ông Linh cho biết.

Theo ông Linh, từ khi công nghệ số phát triển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân trên địa bàn huyện U Minh đã biết tạo lập tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…, để kết nối bán các sản phẩm chủ lực của địa phương như chuối sấy dẻo, rượu trái giác, mật ong U Minh hạ, cam sành...

Mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ phát triển ở huyện U Minh.
Kinh tế rừng giúp người dân có cuộc sống ổn định.

Linh vực kinh tế tập thể cũng phát triển khá nhanh, toàn huyện U Minh hiện có 59 tổ hợp tác với 880 thành viên; 26 hợp tác xã với 278 thành viên và 338 lao động, với số vốn điều lệ hơn 58 tỷ đồng. Nhìn chung, các tổ hợp tác, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và mua bán sản phẩm. Các đơn vị đang từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần đẩy mạnh sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Hồng Thịnh, nhiều địa phương trên địa bàn huyện U Minh đã thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. “Khánh An và Khánh Thuận là 2 xã có số lượng Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã nhất. Các xã đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững như mô hình trồng cây ăn trái, lúa tôm - cá đồng; có sản phẩm ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã như chuối, cam. Bên cạnh đó, các địa phương có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường. Đồng thời, có Tổ công nghệ số và khuyến nông cộng đồng đang đi vào hoạt động hiệu quả đạt chuẩn”, ông Thịnh cho hay.

Đến nay, U Minh đã đạt được 4/9 tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới. Huyện đặt nhiều quyết tâm về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện U Minh (Cà Mau): Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO