Lực lượng cảnh sát chống khủng bố Indonesia hôm 25/5 đã bắt đầu cuộc điều tra về một vụ đánh bom tự sát xảy ra tại một trạm xe buýt ở thủ đô Jakarta khiến 3 sỹ quan thiệt mạng, trong vụ tấn công nhằm vào đất nước tập trung đông cộng đồng người Hồi giáo trong lúc họ đang phải đối mặt với nhiều âm mưu khủng bố.
Vụ tấn công tự sát ở Jakarta khiến 3 sỹ quan cảnh sát thiệt mạng và 10 người khác bị thương. (Nguồn: StraitTimes).
Trước đó, đêm 24/5, 2 kẻ tấn công tự sát đã kích hoạt bom trên một con phố bên ngoài trạm xe buýt trên, tạo ra một cột khói đen lớn và khiến người dân tháo chạy trong hoảng loạn. Những kẻ đánh bom đã chết trong khi 5 sỹ quan cảnh sát cùng 5 thường dân bị thương trong vụ tấn công. Nhiều người cho hay họ thấy các phần thi thể nằm trên đất tại hiện trường vụ việc ngay bên ngoài trạm xe buýt Kampung Melayu.
Cảnh sát Indonesia tin rằng họ chính là mục tiêu trong vụ đánh bom kép này bởi lúc đó nhiều sỹ quan đang làm nhiệm vụ bảo vệ một cuộc diễu hành gần trạm xe - khu vực vốn tập trung đông người dân địa phương và du khách nước ngoài.
Được biết, các lực lượng an ninh Indonesia thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ phiến quân ở nước này trong những năm gần đây, thay vì các mục tiêu thường dân hay du khách nước ngoài.
Trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 25/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng ông đã chỉ thị mở một cuộc điều tra sâu rộng và đang “kêu gọi tất cả người dân bình tĩnh và đoàn kết”.
“Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và gia đình họ, đặc biệt là tới những sỹ quan cảnh sát đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ” - Tổng thống Widodo nói.
Chính quyền Indonesia vẫn chưa nêu rõ ai là kẻ phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công này, nhưng Indonesia - đất nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới - vốn đã được đặt trong tình trạnh cảnh báo cao độ sau một loạt âm mưu mà những nhóm phiến quân có tư tưởng ủng hộ IS tổ chức nhằm vào họ trong khoảng thời gian qua.
Sau khi hoàn tất công việc khám nghiệm hiện trường trong sáng 25/5, cảnh sát đã bàn giao vụ việc lại cho lực lượng chống khủng bố, bên đang dẫn đầu chiến dịch truy kích đã tiêu diệt được một số thủ lĩnh phiến quân hàng đầu ở Indonesia.
“Đội chống khủng bố Densus 88 hiện đang thực hiện một cuộc điều tra, chúng tôi muốn biết những kẻ đánh bom đến từ đâu, chúng thuộc tổ chức nào” - Người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Setyo Wasito nói với hãng tin AFP.
Cảnh sát hiện vẫn chưa công bố danh tính 2 nghi phạm đánh bom bị chết, nhưng theo một nguồn tin từ cơ quan hành pháp, những kẻ này có thể có liên hệ với Jemaah Ansharut Daulah (JAD), một tổ chức phiến quân lọt vào danh sách khủng bố của Mỹ và được cho là đã tuyển mộ hàng trăm kẻ ủng hộ IS ở Indonesia.
Bom chế từ nồi áp suất
Theo ông Wasito, hiện chính quyền vẫn chưa rõ tổ chức nào đứng đằng sau vụ tấn công này, nhưng xác nhận rằng những trái bom trong vụ tấn công vừa qua được chế từ nồi áp suất. Chính quyền cũng cho hay, ngoài các phần thi thể ra, họ còn tìm thấy tại hiện trường nhiều vật liệu nổ, một thẻ căn cước và phiếu thu tiền một chiếc nồi áp suất.
Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, bom chế từ nồi áp suất của được sử dụng trong một vụ tấn công kiểu này tại thành phố Bandung, Indonesia và vụ việc cũng được thực hiện bởi một thành viên của phiến quân JAD - tổ chức từng thực hiện hàng loạt các vụ tấn công khủng bố ở nước này.
Martinus Sitompul, một người phát ngôn khác của lực lượng cảnh sát, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình cho hay, những trái bom đã phát nổ ở vị trí cách nhau khoảng 10-12 mét, và độ trễ khoảng 5 phút.
Trong một cuộc thông báo ngắn trước giới truyền thông chiều 25/5, một người phát ngôn cảnh sát nói rằng vụ đánh bom kép ở thủ đô Indonesia có dấu hiệu tương tự như vụ đánh bom xảy ra ở Bandung vào ngày 27/2 vừa qua. Vào thời điểm đó, 1 kẻ tấn công kích nổ bom tự chế từ nồi áp suất trong một công viên, trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường. May mắn thay, không có ai bị thương trong vụ việc. Kẻ tấ công sau đó bị tiêu diệt trong một vụ đọ súng với lực lượng an ninh trong ngày tiếp theo.
Indonesia từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng phiến quân Hồi giáo và đã phải hứng chịu hàng loạt vụ tấn công khủng bố trong vòng 15 năm trở lại đây, trong đó đẫm máu nhất là loạt vụ đánh bom trên đảo Bali hồi năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng, phần lớn là du khách nước ngoài.
Một chiến dịch truy quét của chính phủ đã làm suy yếu những mạng lưới phiến quân nguy hiểm nhất ở Indonesia, nhưng sự trỗi dậy của IS mang lại động lực mới cho các tổ chức phiến quân ở nước này. Hàng trăm kẻ cực đoan ở Indonesia được cho là đã chiến đấu dưới lá cờ của IS, điều gây quan ngại rằng các tổ chức phiến quân trong nước sẽ hồi sinh trở lại.
Hồi tháng 1 năm nay, một vụ xả súng và tấn công tự sát ở thủ đô Jakarta đã đánh dấu vụ tấn công đầu tiên mà Is tueyen bố nhận trách nhiệm ở khu vực Đông nam Á.