Ngày 5/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết 7 thủy thủ tàu Stena Impero (của Anh) đã được phép rời tàu vì lý do nhân đạo. “Thuyền trưởng tàu Stena Impero đã lựa chọn 7 thành viên trong thủy thủ đoàn để họ được thả tự do. Họ đã rời tàu và đang tiến hành các thủ tục cuối cùng để về nước”- ông Abbas nói.
Tàu cảnh sát Anh (phía trước) tuần tra gần tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar, ngày 6/7/2019.
Động thái mới nhất này từ phía Iran được giới quan sát cho rằng nó đang dần hé lộ hướng giải quyết mới trong vụ “bắt qua bắt lại” tàu của nhau giữa Anh và Iran.
Câu chuyện bắt đầu vào ngày 4/7/2019 khi lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar, vì nghi ngờ con tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. 4 ngày sau, phát biểu được phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia ngày 8/7, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nêu rõ “đó là hành động sai trái, tương tự với cướp biển” và những hành động “cướp bóc” này sẽ “không được dung thứ”.
Lập tức, quan hệ giữa Iran và Anh trở nên căng thẳng. Trong một động thái “giảm nhiệt”, giới chức vùng lãnh thổ Gibraltar cho biết “có thể chỉ bắt giữ tàu Grace 1 trong vòng 14 ngày”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định tàu Grace 1 không hướng đến Syria, và việc bắt giữ là “trái phép một cách vô lối”.
Cũng cần nhắc lại, kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này. Khoảng 227 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong lệnh trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của khoảng 72 thực thể và tài sản của Ngân hàng Trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa.
Trong một hành động đáp trả, ngày 19/7, truyền thông Iran đồng loạt đưa tin nước này đã bắt tàu chở dầu của Anh - tàu Stena Impero - khi nó đi qua eo biển Hormuz. Ủy nhiên, Đài NPR của Mỹ lại loan tin, hải quân của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt 2 tàu chở dầu đều của Anh: Tàu Stena Impero cắm cờ Anh và tàu Mesdar cắm cờ Liberia khi 2 tàu này di chuyển qua eo biển Hormuz, trong cùng ngày 19/7.
Thông tin này được xác thực khi thông báo chính thức của Tehran cho Hãng tin AP biết, phía Iran đã thả cho tàu Mesdar tiếp tục di chuyển, chỉ giữ lại tàu Stena Impero cùng 23 thủy thủ. Hãng tin Reuters cũng dẫn thông tin từ Công ty Norbulk Shipping UK, đơn vị chủ quản của tàu Mesdar, xác nhận hải quân Iran đã thả tàu Mesdar.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố: “Chúng tôi hết sức lo ngại trước việc nhà chức trách Iran bắt giữ 2 tàu biển của chúng tôi trong khi nó đang hoạt động một cách hợp pháp. Vụ bắt giữ này là không thể chấp nhận”. Còn các đơn vị chủ quản của tàu Stena Impero, gồm Công ty Stena Bulk của Thụy Điển và chi nhánh Northern Marine Management tại Anh, phát thông cáo cho biết tàu của họ “đã bị một nhóm nhỏ máy bay và một trực thăng tiếp cận trong khi đang di chuyển qua eo biển Hormuz và vẫn đang ở trong vùng biển quốc tế”.
Còn Hãng tin Fars của Iran phát thông cáo cho biết tàu Stena Impero bị bắt vì “đã không tuân thủ luật hàng hải quốc tế khi đi qua eo biển Hormuz. Con tàu cắm cờ Anh này đã bị dẫn giải về vùng biển của Iran”. Đồng thời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết: “Chúng tôi không có vấn đề gì với thủy thủ đoàn và thuyền trưởng. Vấn đề là những vi phạm mà con tàu đã mắc phải”.
Đưa ra nhận xét trên tài khoản cá nhân Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết gọn lỏn: “Họ (chỉ Iran) toàn gây chuyện rắc rối”.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán, Grace 1 (của Iran) được Gibraltar thả hôm 15/8, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ. “Siêu tàu dầu” Iran sau đó đổi tên thành Adrian Darya 1, rời Gibraltar ngày 18/8 và thực hiện hành trình tới Địa Trung Hải. Tuy nhiên, con tàu đã tắt thiết bị phát đáp từ chiều 2/9, khi đang ở vùng biển Địa Trung Hải phía Tây Syria, khiến người ta nghi ngờ không biết nó đi đâu, mà rất có thể sẽ lại đến Syria.
Vì thế, sau những động thái “qua lại”, việc Iran tuyên bố 7 thủy thủ tàu Stena Impero (của Anh) đã được phép rời tàu vào ngày 5/9 được cho là “dấu hiệu tích cực” giảm nhiệt căng thẳng Vùng Vịnh. Tuy nhiên, phía Iran tuyên bố họ phóng thích 7 trong số 23 thủy thủ của tàu Stena Impero vì lý do nhân đạo chứ không phải là “xuống thang”.
Căng thẳng ở Vùng Vịnh leo thang từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (qua tuyên bố đơn phương của ông Donald Trump ngày 5/5/2019), được ký giữa Iran với 6 cường quốc, đồng thời tăng cường các lệnh trừng phạt nhắm vào Tehran. Đáp lại, Iran thường xuyên đưa ra những tuyên bố cứng rắn và khẳng định sẽ không đàm phán với Mỹ nếu các lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ.