Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi THPT diễn ra trên cả nước. Theo thống kê ban đầu từ các Sở GD&ĐT, có rất ít thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, có trường không có thí sinh nào đăng ký dự thi. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ.
PV:Là người gắn bó với môn Lịch sử, suy nghĩ của ông như thế nào khi ngày càng ít thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Vấn đề này tôi nghĩ cũng dễ hiểu. Tại vì, từ xưa đến nay người ta chú trọng các môn khoa học tự nhiên hơn, đặc biệt là những môn gắn với cuộc sống. Học các môn khoa học xã hội và môn Sử cũng có cái khó riêng. Điều quan trọng hơn là khó xin được việc làm. Bây giờ phải nói là học sinh rất thực dụng, hay nói một cách khác đồng tiền lên ngôi nên phải chọn môn nào, nghề nào để sau khi ra trường xin được việc. Với môn Sử chẳng hạn, xin việc khó, giáo viên thì đang nhiều, tôi nghĩ các em suy nghĩ là phải.
Để thay đổi sự lựa chọn đó, theo ông cần phải có sự vào cuộc như thế nào?
- Theo tôi, cả xã hội phải vào cuộc để làm cho các em yêu thích môn Lịch sử. Không chỉ là giáo viên mà phải có nhiều phim ảnh, nâng cao trình độ đội ngũ chương trình giáo dục hay, tăng cường hoạt động xã hội lên để các em yêu mến môn Lịch sử cũng như phải làm cho môn Lịch sử có vị trí trong xã hội thì các em sẽ học. Thứ hai, số thi vào khối C rất ít, bản thân tôi nghĩ phần nhiều do cơ chế.
Tất nhiên những người dạy Sử lâu năm thấy các em thi ít, chúng tôi cũng buồn. Nhưng cái gốc là vấn đề làm sao cho các em yêu môn Lịch sử hơn, đề cao môn Lịch sử hơn, ra kiếm được việc làm thì mới thi nhiều. Còn thi ít thì tôi nghĩ xưa nay vẫn thế. Thế giới không mấy coi trọng khoa học xã hội, Việt Nam cũng thế, và lại còn không được đề cao đúng với vị trí của nó.
Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để các em yêu thích môn Lịch sử. Vậy theo kinh nghiệm của ông, giáo viên dạy Sử cần phải có phương pháp dạy như thế nào để tạo được hứng thú cho học sinh?
- Hiện nay chúng ta đang theo định hướng giảm truyền thụ kiến thức cơ bản sang định hướng phát triển năng lực, và cũng có nhiều phương pháp mới đang được vận dụng. Trước đây có phương pháp phát huy tính tích cực của học sinh, thì hiện nay cũng vẫn nên tiếp tục.
Đồng thời những phương pháp dạy học theo di sản, văn hóa ứng xử... là phương pháp dạy tốt, cũng cần động viên giáo viên rèn luyện đổi mới, làm thế nào để thực hiện được mục tiêu giáo dục phẩm chất, năng lực.
Tất nhiên ngoài những hoạt động chính khóa trên lớp, ngoài đổi mới phương pháp thì các thầy cô cần phải làm tốt giờ dạy trong mỗi buổi ngoại khóa, cũng như trong các hoạt động ngoại khóa.
Các thầy cô phải thực hiện hết sức tích cực, có thể là tổ chức học sinh học tập ở bảo tàng, học tập ở di sản, học tập bằng tham quan hoặc có thể có những buổi với phương pháp học tập mới, chia thành nhóm nhỏ để thảo luận, giao cho các em tổ chức, thầy giáo đứng vai trò tổ chức các hoạt động để phát huy tính tích cực của học sinh… Đổi mới phương pháp như vậy tôi nghĩ sẽ giúp ích cho học sinh. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng phải có những chương trình hay, nhiều sách, thậm chí có những bộ phim lịch sử hay. Chúng ta phải phấn đấu làm được cái này.
Hiện nay chúng ta đã có những bộ phim nhưng quá lâu rồi, sắp tới rất nên có nhiều bộ phim. Hiện, trên Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình Hào khí ngàn năm nhưng phim này ngắn và muộn quá.
Việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục lịch sử kèm theo đổi mới phương pháp một cách căn bản, theo quan điểm của tôi, sẽ giúp cho học sinh yêu thích môn Lịch sử hơn. Khi có nhiều em yêu thích môn Lịch sử thì sẽ có nhiều em đoạt giải thưởng trong các cuộc thi Lịch sử, và nhiều em đi vào nghề bằng môn Lịch sử này.
Nhiều mùa thi học sinh giỏi môn Sử trôi qua, khi hỏi các em về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, đa số các em (kể cả giải nhất, nhì) thì đều chọn những ngành không mấy liên quan đến Sử, ví dụ như chọn an ninh, cảnh sát, luật… Còn sư phạm Sử có rất ít, đặc biệt không có mấy những ngành nghiên cứu chyên sâu về Lịch sử…
Như thế có phải là lãng phí không thưa ông, khi các em ra trường không phát huy được thế mạnh của mình?
- Cũng là một sự lãng phí tài năng. Như tôi đã nói, bây giờ học sinh rất thực dụng. Nếu đi học Sử mà ra trường không xin được việc, thì có giỏi cũng phải chạy vào các ngành khác. Bao giờ môn Sử được đề cao, được trọng dụng thì tất nhiên các em sẽ chọn. Ví dụ, không chỉ ở môn Lịch sử, mà giáo viên cũng thế thôi, lương thấp lắm. Vì thế người ta không chọn, mà sẽ chọn nghề nào đảm bảo được cuộc sống cho mình.
Và tôi nghĩ nếu Đảng, Nhà nước có chính sách ưu đãi, đãi ngộ giáo viên thỏa đáng thì chắc chắn giáo viên sẽ thi vào sư phạm nhiều hơn. Cũng như vậy, học sinh cũng sẽ chọn môn Sử nhiều hơn.
Những giáo viên mà yên tâm với nghề nghiệp nói chung, kể cả môn Sử thì đều rơi vào trường hợp là các gia đình làm ăn khá giả, hoặc là kinh tế gia đình tốt, có ông chồng kiếm được tiền...
Theo kinh nghiệm của tôi, những giờ dạy để cho cấp trên dự giờ thao giảng, giáo viên tập trung vào đều dạy tốt hết. Sở dĩ không tập trung được vì còn phải đi lo cho cuộc sống gia đình. Nếu trọng dụng giáo viên hơn, chế độ tốt hơn thì tôi nghĩ không chỉ môn Sử, các môn học, và cả nền giáo dục sẽ tốt lên.
Tôi vẫn nói như này, trong đại kế giáo dục thì người thầy là gốc. Trong nhiều yếu tố để nâng cao chất lượng thì có yếu tố đầu vào, chương trình sách giáo khoa, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách - chế độ quản lý, và giáo viên.
Trong 5 yếu tố đó, giáo viên dạy giỏi là quan trọng nhất. Ví dụ chương trình và sách giáo khoa có thể chưa hoàn hảo nhưng giáo viên dạy giỏi có thể lựa chọn được. Ví dụ sách viết 3 mục, giáo viên giỏi có thể chỉ dạy 2 mục, thậm chí nếu trong sách không chuẩn thì cũng có thể biết được.
Quay lại với kỳ thi THPTQG, để các thí sinh có thể tự tin lựa chọn môn Sử, cũng như bước vào kỳ thi được thuận lợi, ông có lời khuyên gì dành cho các em không?
- Các em phải lựa chọn, bám sát chương trình giáo dục phổ thông. Thường thi chỉ rơi vào trong chương trình giáo dục phổ thông, nhưng không chỉ học những bài cụ thể mà cần phải học những chuyên đề, chủ đề xuyên suốt. Điều quan trọng là các em có những kiến thức gắn với thực tiễn. Các em cần đặc biệt chú ý đến những chuyện gần gũi, quan tâm đến tình hình thế giới, tình hình trong nước, tình hình phát triển kinh tế, những sự kiện quan trọng của đất nước. Cũng nên nghiên cứu những câu so sánh vấn đề của Việt Nam gắn với thế giới…
Trân trọng cảm ơn ông!