Chuyện bắn súng Việt Nam không có đạn để tập suốt nhiều năm qua luôn được nhắc tới như một sự đáng tiếc trong nỗ lực phát triển môn thể thao mũi nhọn này. Thế nhưng, trong khoảng 2 năm trở lại đây, tin vui với các xạ thủ Việt Nam khi có công ty đã “trúng thầu” nhập súng đạn số lượng lớn phục vụ cho việc tập luyện, thi đấu, nhưng sự tréo ngoe khác lại diễn ra…
Cả năm không có đạn, thay súng bằng… chai nước
Năm nào cũng vậy, một trong những lý do khiến HLV Nguyễn Thị Nhung phải sốt sắng đưa các xạ thủ trụ cột của đội tuyển bắn súng Việt Nam sang Hàn Quốc tập huấn là bởi tình trạng vừa bắn vừa tiết kiệm đạn ở trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn).
Nhiều năm qua, đội tuyển bắn súng Việt Nam nói riêng và các VĐV đang theo môn bắn súng nói riêng vẫn phải nỗ lực vượt khó, tập trong điều kiện… súng thiếu đạn, hoặc chẳng có đạn để bắn. Với các VĐV này, đã xảy ra tình trạng rất bi đát là tập chay, tức là cầm súng không có đạn lên ngắm rồi lại hạ súng xuống để lấy cảm giác.
Do không có đạn để tập luyện, các xạ thủ phải đổ cát vào chai nước và tưởng tượng đó là khẩu súng để ngắm bắn. Trong suốt nhiều năm, hàng trăm VĐV bắn súng ở đội tuyển quốc gia, ở các tỉnh thành phải tập chay như thế vì không có nguồn cung ứng đạn.
Một HLV của Hà Nội cho biết, các xạ thủ của ĐTQG luôn tập luyện rất cầm chừng, trong khi các VĐV trẻ thì xác định không có đạn để bắn.
Thực ra, vẫn có đạn loại 2 với chi phí rẻ, nhưng một số xạ thủ trụ cột tâm sự, bắn đạn rởm nhiều khi ức chế, lại chẳng thể “lên tay” được. Bởi thế, mỗi lần được đi tập huấn nước ngoài là các xạ thủ “mừng như bắt được vàng” vì được bắn đạn “xịn” thoải mái.
Giám đốc trung tâm HLTTQG Phạm Mạnh Hùng chia sẻ rằng, ông luôn mong muốn các xạ thủ được tập luyện, thi đấu trong môi trường tốt nhất. Khó khăn các xạ thủ đều quen nhưng họ gặp nhiều thiệt thòi khi ra sân chơi quốc tế.
Theo ông Hùng, vấn đề lớn nhất là cơ chế và kinh phí. Trong hai khó khăn này thì bài toán xin cơ chế mua đạn cho bắn súng phải theo đấu thầu và có sự quản lý của các cơ quan chức năng là nan giải nhất, vì mức thầu và chỉ tiêu quá cao nên dẫn tới rất khó mua đạn.
Cứ năm này qua năm khác, hai bài toán kinh phí và cơ chế không được giải quyết, nên phương án khắc phục tình trạng tập thiếu đạn chỉ có đi ra nước ngoài tập huấn, nhưng chẳng phải VĐV nào cũng có may mắn được “xuất ngoại” như các xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường…
Đạn đã về, nhưng…
Được biết, từ ngày 18/10/2013 Bộ Công an và Bộ VH,TT&DL đã ra thông tư liên tịch quy định trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thể thao trong tập luyện và thi đấu thể thao. Theo đó, kể từ ngày 10/12/2013 trở đi, theo thông tư này, việc nhập khẩu vũ khí thể thao (trong đó có đạn) phải thực hiện phương thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp được nhập khẩu vũ khí.
Sau rất nhiều năm tổ chức mời thầu nhưng chỉ có duy nhất Công ty cổ phần TDTT Việt Nam nộp hồ sơ đấu thầu nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Phải tới năm 2016, Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET), Bộ Quốc phòng đã trúng thầu và trở thành nhà cung cấp súng đạn cho ngành thể thao.
Đây thực sự là một tin vui với các xạ thủ, bởi nhiều năm qua, họ khao khát được cầm súng, bắn đạn thật, còn những xạ thủ trụ cột sẽ không phải vừa bắn vừa tiết kiệm nữa.
Nhưng rồi niềm vui qua mau, bởi ngay cả có đạn rồi thì hầu hết các VĐV bắn súng vẫn phải tập chay, vẫn phải “diễn” như cảnh cũ: Cầm chai nước thay súng.
Như đã nói ở trên, Tổng công ty GAET thuộc Bộ Quốc phòng đã trúng thầu và trở thành nhà cung cấp súng đạn cho ngành thể thao. Bắn súng Việt Nam giải quyết được khâu “đầu vào” là nhập khẩu súng, đạn, nhưng 2 năm qua đã xảy ra tình trạng “ế hàng”.
Trong năm 2016, GAET được Chính phủ cho phép nhập khẩu 40 tỷ đồng tiền đạn dược, súng… Sang năm 2017, GAET tiếp tục trúng thầu và được Chính phủ cấp hạn ngạch nhập khẩu 20,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, GAET cho biết họ chỉ bán được 10 tỷ đồng tiền đạn. Lý do được đại diện GAET cho biết, nhiều địa phương đang gặp khó khăn về cơ chế cũng như kinh phí để mua đạn. Tính ra để có đạn tập cho các VĐV mỗi năm, các địa phương phải bỏ ra cả tỷ đồng, và đó là số tiền không hề nhỏ.
Trong khi đó, một HLV ở trung tâm HLTTQG Hà Nội cũng thừa nhận từ khi có đơn vị trúng thầu nhập súng, đạn, nhưng việc các VĐV được bắn đạn thật cũng chẳng nhiều hơn.
“Chỉ có các VĐV trọng điểm là vẫn tập luyện bình thường, còn VĐV trẻ thì chẳng có gì thay đổi, vẫn tập chay. Chẳng hạn như đơn vị Hà Nội với quân số gần 100 xạ thủ, hai năm qua không có đạn để tập”, HLV trên tâm sự.
HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung tâm sự: “Với mỗi xạ thủ trụ cột như Hoàng Xuân Vinh thường tập luyện một ngày bắn khoảng trên dưới 2 triệu tiền đạn, chưa kể tiền mua súng cũng vài nghìn USD. Đây sẽ là bài toán rất nan giải với các địa phương nghèo, bởi bắn súng là môn thể thao rất khó kêu gọi tài trợ, xã hội hóa”.
Asiad đang tới gần, đội tuyển bắn súng đặt mục tiêu có 1 HCV. Ngoài những niềm hy vọng như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành… có lẽ bắn súng Việt Nam cần phải đầu tư cho nhiều gương mặt trẻ khác. Nhưng khó khăn về súng ống, đạn dược, đang là rào cản không nhỏ với các VĐV muốn vươn tới đỉnh cao.
Buồn nhất là không có đủ súng, có đạn cho việc tập luyện, nên bắn súng Việt Nam đã xảy ra tình trạng một số VĐV bỏ tập vì chán nản, đặc biệt là ở các địa phương. Một HLV chia sẻ: “Nếu tình trạng này còn kéo dài, trình độ của bắn súng Việt Nam sẽ tụt xa các nước trong khu vực”.