Sau khi khởi tố bị can, bắt tạm giam Giám đốc Công ty Việt Á, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã làm việc với lãnh đạo CDC một số địa phương khác liên quan đến việc nâng khống giá bộ kit xét nghiệm Covid-19. Tới đây sẽ có thêm nhiều người phải “nhập kho” vì lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Hồi dịch Covid-19 mới xâm nhập vào Việt Nam, mọi thứ mới mẻ nên có thể nói trong công tác quản lý mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu trục lợi. Song, tới nay chúng ta “chiến đấu” với “giặc dịch” gần 2 năm, hành lang pháp lý cũng đã khá chặt chẽ, vậy tại sao vẫn thất thoát ngân sách?
Có lẽ đây là câu hỏi khá khó cho ngành Y tế và lãnh đạo các địa phương. Song, dù có khó đến mấy thì những người có trách nhiệm vẫn phải trả lời cho được, bởi chỉ có như vậy mới tránh được “vết xe đổ” lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân. Chỉ có điều, ai, cơ quan nào sẽ thực hiện việc giám sát, buộc họ phải trả lời về những vấn đề trên mà thôi.
Ngay thời kỳ đầu bùng phát dịch Covid-19, việc Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và các thuộc cấp bị khởi tố, bắt tạm giam tưởng đã là tấm gương tày liếp. Song, trên thực tế thì hình như người ta không sợ, tiền đã làm mờ mắt họ. Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến và lãnh đạo CDC một số tỉnh, thành phố vẫn ngang nhiên nhận “lót tay”, “bôi trơn” của Công ty Việt Á, để nâng khống giá bộ kit xét nghiệm Covid-19.
Hành vi của những kẻ táng tận lương tâm này trước mắt là khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại, sau đó là “móc túi” người dân ngay trong lúc dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng nhất.
Trải qua gần 2 năm gồng mình chống dịch, ngân sách nhà nước cũng đã hao kiệt khá nhiều, đời sống người dân thì vô vàn khó khăn. Ấy vậy mà thay vì nghĩ cách tiết giảm chi tiêu ngân sách, làm sao để người dân phải chi ít tiền hơn, lãnh đạo CDC một số địa phương lại nhẫn tâm cấu kết với “gian thương” bòn rút tiền bạc đút cho đầy túi tham của mình.
Giờ thì cái ung nhọt ấy đã vỡ, tới đây nhiều người sẽ phải trả giá cho hành vi đục nước thả câu, lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền bất chính. Song, một câu hỏi dư luận đặt ra vẫn chưa có câu trả lời: Vì sao Công ty Việt Á lại có thể “một tay che trời”, hoành hành trong suốt thời gian dài mà không bị phát hiện, xử lý, chỉ đến khi cơ quan công an vào cuộc mọi việc mới được làm sáng tỏ? Liệu có chăng việc tiếp tay, bảo kê?
Chưa bàn đến chuyện vì sao Bộ Y tế cho phép bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á được phép lưu hành, khi chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận. Dư luận đang quan tâm đến việc vì sao Bộ Khoa học - Công nghệ lại đưa lên trang web của mình thông tin sai sự thật về việc bộ kit nói trên đã được WHO công nhận, rồi giờ đây vội vã gỡ xuống?
Chắc chưa ai quên câu chuyện vì sao trong vụ án VN Pharma, các đối tượng lại có thể dễ dàng mang thuốc chữa ung thư giả về Việt Nam để trục lợi trên lưng những người bị bệnh hiểm nghèo? Đơn giản là vì đã có sự dung túng, tiếp tay, bảo kê của một số người có trách nhiệm trong ngành y tế.
Còn trong vụ án nâng khống giá bộ kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty Việt Á lần này cụ thể thế nào phải chờ kết quả điều tra của Bộ Công an mới rõ. Và người dân đang chờ đợi mọi việc sẽ sớm được đưa ra ánh sáng, rõ người, rõ tội.