Hơn 50 doanh nhân đại diện cho cộng đồng 1.000 doanh nghiệp kiều bào Việt Nam tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã tham gia chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” tại Việt Nam.
Từ ngày 3/7 đến 11/7, lần đầu tiên, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban VNVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức chương trình “Kết nối doanh nhân kiều bào Thái Lan với địa phương” tại 6 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Hà Nội.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiều bào về đầu tư
Điểm nhấn của chuỗi chương trình là các “Diễn đàn kết nối kiều bào Thái Lan với các địa phương tại 6 tỉnh, thành phố. Tại các diễn đàn, Đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VNVNONN cho biết, cộng đồng NVNONN, đặc biệt là các doanh nhân kiều bào, ngày càng quan tâm đến việc kết nối, hợp tác với các địa phương trong nước.
Chương trình kết nối kiều bào với địa phương là một trong những hoạt động của Ủy ban VNVNONN để triển khai Quyết định 1797/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 -2024” và quán triệt Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 trong đó có công tác về thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Sau chương trình này, Ủy ban VNVNONN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các chương trình kết nối kiều bào với địa phương, với chủ trương thúc đẩy công tác NVNONN gắn với ngoại giao kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp của kiều bào tại Thái Lan, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, có nhiều doanh nghiệp rất thành công, hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa….
“Đề nghị các địa phương quan tâm, có cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kiều bào trên thế giới nói chung và tại Thái Lan nói riêng muốn về đầu tư và làm việc tại địa phương; giới thiệu các lợi thế về sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương cho doanh nghiệp Thái Lan; giới thiệu các doanh nghiệp thành phố quan tâm đến thị trường Thái Lan, có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp kiều bào để có thể kết nối nhanh chóng và hiệu quả”, Đại sứ đề nghị.
Đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Thái Lan, ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan - Việt Nam, cho rằng, cần tiếp tục làm việc với Thái Lan để giảm bớt các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Thái Lan; tăng cường kết nối giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không giữa Việt Nam và Thái Lan, nhất là vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có nhiều kiều bào sinh sống.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đàm phán để Thái Lan công nhận các tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam; tăng cường quảng bá và nghiên cứu thị trường, chú trọng vào bao bì và các tiêu chí an toàn thực phẩm. Với thế mạnh của mình, Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam sẵn sàn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng Việt Nam qua trưng bày và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.
Là “cánh tay nối dài” cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước
Trong “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan - Đà Nẵng 2022” tổ chức ngày 4/7, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng Đà Nẵng đã giới thiệu về chính sách xúc tiến, khuyến khích đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố với đoàn doanh nghiệp Việt kiều tại Thái Lan, các dự án khuyến khích thu hút đầu tư, các lợi thế về sản phẩm hàng hóa, du lịch dịch vụ của Đà Nẵng.
Còn tại “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Quảng Nam - Thái Lan” tổ chức ngày 5/7, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã khái quát những lợi thế khi kiều bào đầu tư vào Quảng Nam và kêu gọi kiều bào kết nối vào các lĩnh vực như: phân phối sản phẩm nông sản và các sản phẩm đặc trưng của địa phương Quảng Nam sang thị trường Thái Lan; phối hợp chuyển giao công nghệ bảo tồn, nhân giống các loại dược liệu quý; dịch vụ du lịch; thủ công, mỹ nghệ…
Cũng như thế, tại các diễn đàn kết nối doanh nghiệp Thái Lan ở Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh hay Bắc Giang, lãnh đạo các tỉnh này đã cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan trong đó có doanh nghiệp kiều bào tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với địa phương mình. Cùng với đó, các địa phương cũng mong muốn, doanh nhân kiều bào quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu và kết nối các doanh nhân kiều bào Thái Lan khác cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ, thương nhân nhập khẩu từ Thái để tìm hiểu, hợp tác, thu mua, đầu tư dây chuyền chế biến nông sản để xuất khẩu, cũng như thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, yêu cầu về sản phẩm nhập khẩu vào Thái Lan đối với các sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.
Diễn đàn tại Hà Nội ngày 11/7 là chặng làm việc cuối cùng của đoàn doanh nhân kiều bào Thái Lan. Phát biểu tại đây, bà Lê Thị Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan là cộng đồng có truyền thống cách mạng, các Hội đoàn người Việt tại Thái Lan thời gian qua hoạt động tích cực, giúp nâng cao vị thế, uy tín của cộng đồng với chính quyền và nhân dân sở tại. Sự thành công của diễn đàn và chuỗi sự kiện lần này là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nhân kiều bào tại Thái Lan và các địa phương, cộng đồng doanh nhân trong nước.
Bà Hằng hy vọng cộng đồng doanh nhân Thái Lan tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối” và “cánh tay nối dài” cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước thời gian tới.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Hiệp hội doanh nhân Thái Lan – Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nhân Đà Nẵng, Quảng Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội. Ngoài ra, khoảng 20 biên bản thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên, trong nhiều lĩnh vực.