Ngày 12/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế”.
Quy định gây khó cho việc mua sắm, đấu thầu
PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, liên quan đến các vật tư, thiết bị y tế thì hiện tại các quy định mua sắm của chúng ta đang “bó” và rất… khó mua. Hiện tại một số văn bản pháp quy, một số Thông tư, Nghị định trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư đã không mang tính cập nhật, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu.
“Ví dụ bây giờ chúng tôi đang muốn mua một số thiết bị y tế thì hiện tại các yêu cầu về 3 báo giá, khai báo để làm giá kế hoạch, không có tính cập nhật tí nào cả. Thứ nhất, 12 tháng qua và đặc biệt là 2 năm qua, chúng ta chủ yếu tập trung vào mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch. Các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị cho những bệnh thông thường thì 24 tháng qua các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm một thiết bị y tế mà lại phải cập nhật trong vòng 12 tháng. Quy định này hết sức lỗi thời. Do đó quy định này cần được thay đổi ngay” - ông Cơ chỉ rõ và cho rằng tổ chức đấu thầu lại thì không có 3 báo giá cho 1 mặt hàng. Còn nếu giám đốc bệnh viện cứ “nhắm mắt làm” thì nay mai các cơ quan hậu kiểm sẽ hỏi tại sao làm trái quy định.
Theo ông Cơ, hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo các vụ, cục, cơ quan liên quan sửa Thông tư 14, Thông tư 15 liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư. Bộ Tài chính cũng đang sửa Thông tư 58. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã kiến nghị sửa Nghị định 98 liên quan đến đầu thầu thuốc, vật tư. “Cần làm sao cho những văn bản pháp quy của chúng ta trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai. Có ý kiến cho rằng, hiện tại, giám đốc các bệnh viện, các nhà quản lý ở các sở y tế có tâm lý e ngại trong vấn đề mua sắm. Nhưng nếu chúng ta có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai, tốt thì chắc chắn những nhà quản lý, những giám đốc bệnh viện sẽ không khó khăn gì khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc cho người bệnh”- ông Cơ cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) cũng cho rằng, thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới có mà rất lâu nhưng tình trạng thiếu ở mức độ nào? thiếu ra sao? các đơn vị cần làm rõ. Chúng ta cần số liệu, khảo sát rõ ràng mới có giải pháp khắc phục. Ở nguyên nhân liên quan pháp lý, theo bà Bảo: “Hầu như 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế”. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện các văn bản đưa vào đấu thầu cũng đã có cập nhưng chưa đuổi kịp những yếu tố xã hội, nên cần sửa đổi kịp thời tạo điều kiện cho đơn vị mua sắm, đấu thầu.
Cơ chế chưa rõ ràng, minh bạch
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, tình trạng cơ chế pháp lý của chúng ta đang còn những tồn tại. Đây là một nguyên nhân rất chủ yếu, nếu chúng ta tháo gỡ được thì sẽ giải quyết được tình trạng này. “Thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, sở y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu”- ông Quang nói.
Tuy nhiên, một nguyên nhân chủ quan theo ông Quang là năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương cho đến cấp tuyến sở và cơ sở khám, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, cần phải có những người có kinh nghiệm, am hiểu về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, các quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cùng chung quan điểm, theo PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, sự phức tạp trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế rất đa dạng nhưng cái khó nào cũng gỡ được. Do đó, cần phải tháo gỡ khó khăn cả từ cơ chế và con người. Từ đó bà An cho rằng, Chính phủ cần rà soát xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay, không được để lâu quá. “Tôi chia sẻ với ngành y vừa rồi có tâm lý e ngại vì một số sự việc. Nói rằng không e ngại là không đúng vì chúng ta là con người. Nhưng trong ngành y, vẫn còn nhiều y, bác sĩ rất dũng cảm. Trong trường hợp này, cần sự dũng cảm của các bộ. Hãy vào cuộc, với động cơ trong sáng, thì sẽ tìm được thuốc với giá hợp lý. Người dân không bao giờ trách sao mua đắt; đắt mà hợp lý thì chúng tôi vẫn chấp nhận” - bà An nói.