Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng vùng DTTS sẽ góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch là chủ trương đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS. Đây cũng là nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Như tại Lào Cai, hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào DTTS đã cải thiện rõ rệt.
Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25-60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công phát triển mạnh mẽ và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.
Hay như bản nhỏ Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu của đồng bào dân tộc H’Mông cũng đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay, khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, trung bình một năm bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Từ một bản nghèo, hiện người dân Sin Suối Hồ đã có của ăn của để khi thu nhập bình quân/người đạt trên 20 triệu đồng/năm.
Không chỉ tạo kinh tế bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, du lịch cộng đồng còn đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào DTTS và miền núi. Phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của các đồng bào DTTS qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực... nhằm mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm đặc sắc.
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Muốn làm được việc này, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt... Từ đó định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.