Tình trạng khai thác đất, cát trái phép tại một số xã như: Xã Tân Hà, Đức Tín, thị trấn Đức Tài ở huyện Đức Linh diễn ra khá công khai. Việc khai thác, vận chuyển đất, cát diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nhận được nhiều ý kiến của người dân về tình trạng xe ben chở đất, cát ảnh hưởng tới sinh hoạt tại Khu phố 5, thị trấn Đức Tài. Một người dân cho biết, từ 4h30 sáng xe bắt đầu hoạt động, xe ben chạy nhiều khiến đường xuống cấp.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Minh Nghị - Chủ tịch UBND thị trấn Đức Tài cho biết, trên địa bàn không có mỏ cát, mỏ đất nào được cấp phép hoạt động.
Để tiếp cận sự thật, phóng viên đã tới hiện trường và ghi nhận tình trạng khai thác đất, cát trên địa bàn huyện Đức Linh (Bình Thuận). Tại đây hoạt động khai thác đất, cát diễn ra công khai.
Khu vực cánh đồng Bàu Sen có 3 điểm khai thác đất, cát. Cụ thể, từ thị trấn Đức Tài bám theo trục đường Điện Biên Phủ đi khoảng hơn 1 km là “đại công trường” khai thác đất, cát nằm giữa cánh đồng lúa Bàu Sen. Quan sát từ trên cao 3 “mỏ” đất, cát loang lổ những vũng nước lớn và những núi cát đã được rửa sạch chờ đưa lên xe ben.
Tại 3 điểm khai thác đất, cát trái phép tại thị trấn Đức Tài có nhiều máy xúc hoạt động. Nhiều máy móc cỡ lớn đang hút và rửa cát. Bên trong điểm khai thác là hệ thống đê bao và đường đi dành cho xe ben vào lấy cát thô. Cát thô được máy xúc đưa lên xe ben và được rửa sạch trước khi vận chuyển ra ngoài. Cát sau khi rửa sạch, được chất đống, chờ các xe ben tới chở đi.
Xung quanh các điểm khai thác đất, cát đều được bao bọc bởi những hàng cây.
Đáng chú ý, phía cổng vào các điểm khai thác đều không có bảng thông tin và giấy phép khai thác khoáng sản.
Còn tại khu vực tuyến đê bao sông La Ngà nối từ thị trấn Võ Xu qua xã Đức Tín, trong buổi sáng, phóng viên ghi nhận 5 xe ben 2 chân, 3 chân và 4 chân, trọng tải lớn chở đầy đất, cát khai thác đi trên con đê này.
Dọc theo tuyến đê, có 2 điểm khai thác đất, cát tại khu vực cánh đồng Bàu Cây và thôn 6 xã Đức Tín. Tại đây có xe múc và máy hút cát hoạt động với công suất khá dày. Những chiếc xe ben vào ra liên tục lấy đất, cát sau đó di chuyển qua cầu Bến Thuyền về hướng huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Ghi nhận tại hiện trường, nhiều đất, cát đã bị múc đưa đi nơi khác, để lại những hố sâu. Con đê bao sông La Ngà bị xuống cấp, gây mất an toàn, nhiều đoạn đường bê tông bị hư hại, xuất hiện nhiều ổ gà, sạt lở.
Trong quá trình ghi hình nhiều tháng, chúng tôi ghi lại tại thôn 1, xã Tân Hà có 2 điểm có hoạt động khai thác đất diễn ra trong thời gian dài. Có hàng chục lượt xe ben được múc đầy đất, sau đó vận chuyển khỏi địa phương này, một số xe ben chở đất về tập kết ở xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Ghi nhận tại hiện trường, 2 khu đất thuộc thôn 1 đã bị biến đổi hình dạng so với các khu đất liền kề. Dấu vết của máy múc còn in hình trên đất và tại khu đất còn có 1 chiếc xe múc.
Hoạt động khai thác khoảng sản diễn ra công khai tại một số khu vực nhưng lãnh đạo tại 2 xã Đức Tín và Tân Hà cho biết, các điểm này đều không được cấp phép.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Thế Phiệt, Chủ tịch UBND xã Đức Tín khẳng định, trên địa bàn xã không có mỏ cát nào được cấp phép, còn mỏ khai thác đất sét thì đang trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục xin phép.
Tương tự, ông Vũ Đình Chung, Chủ tịch UBND xã Tân Hà cũng khẳng định, khu vực thôn 1, không được cấp phép mỏ đất nào.
Về phía UBND huyện Đức Linh, trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn kết liên quan hoạt động khai thác đất, cát, ông Nguyễn Thành Hiếu – Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đức Linh cho biết: Trên toàn huyện, mỏ cát giờ tập trung ở xã Tân Hà thôi, có mỏ Lam Hồng, Ngọc Công, Nam Hà với Trường Thịnh là 4 mỏ, những mỏ này có phép. 3 mỏ đất có giấy phép gồm xã Xuân Nhơn, xã Đức Hạnh, xã Đồng Hà nhưng mỏ này chưa đủ điều kiện khai thác do chưa hoàn thiện thủ tục đất đai. Về mỏ đất sét thì gồm có Xuân Nhơn, 1 mỏ Mê Pu và 1 mỏ ở Đức Tín. Mỏ ở Đức Tín có giấy phép rồi nhưng đang làm thủ tục đất đai bị vướng chính sách chủ trương đổi tới, đổi lui, môi trường, đất đai, chỉ cần một quyết định cho thuê đất nữa là xong. Còn mỏ đá không có đâu.
Những ngày đầu tháng 4/2024, phóng viên ghi nhận được tại khu vực Đồng Bàu Cây, xã Đức Tín điểm khai thác trái phép những chiếc xe mang biển số 60C-337.., 60C-133.., 60C-138..,vào ra liên tục sau khi xe được chất đầy cát, di chuyển về hướng tỉnh Đồng Nai.
Chiếc xe biển số 60C-138.., xe này di chuyển qua cầu Bến Thuyền hướng theo đường tỉnh lộ Cao Cang về ngã 3 Gia Canh (huyện Định Quán), sau đó chạy hướng Quốc lộ 20 về huyện Thống Nhất, sau đó đổ cát xuống bãi tập kết có đề tên bảng hiệu của cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) Hưng Phát (thuộc xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), cách điểm khai thác trái phép khoảng hơn 70km.
Cũng tại xã Đức Tín, có 1 điểm khai thác gần đê bao sông La Ngà.
Thu thập thông tin từ tài xế xe ben chở đất, được biết do ông N.P đứng ra khai thác.
Tại đây có nhiều lượt xe ben chở đất ra vào, trong đó có 2 chiếc xe ben 4 chân mang biển số tỉnh Bình Thuận 86H-015.. và 86H-010.. hoạt động khá dày, chở đất, cát tập kết tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, ngày 4/4/2024, phóng viên phát hiện chiếc xe biển số 86H-015.., sau khi lấy cát ở bãi khai thác ở thị trấn Đức Tài về đổ cát tại bãi có đề tên bảng hiệu cửa hàng VLXD Tứ Quý (huyện Định Quán). Trong thời gian từ 1/4 tới ngày 9/4, chúng tôi ghi nhận hàng chục lượt xe ben di chuyển từ bãi của ông N.P ở xã Đức Tín về đổ đất cho người dân ở xã Gia Canh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai).
Qua quá trình theo dõi cho thấy, đường đi của đất, cát lậu được di chuyển liên huyện, liên tỉnh từ Bình Thuận còn chở cả về huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Đơn cử đó là chiếc xe ben mang biển kiểm soát 60H – 102.. chở đầy đất từ thôn 1, xã Tân Hà, Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) về bãi tập kết ở xã Xuân Trường, Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), bãi tập kết này có bảng hiệu đề tên Công ty TNHH Trang Quốc Thịnh.
Tại khu vực khai thác của ở thị trấn Đức Tài, chúng tôi ghi nhận nhiều lượt xe chở cát, chở đất đưa đi tiêu thụ. Đơn cử, chiếc xe ben biển số 86H-001.. sau khi lấy đất cát từ thị trấn Đức Tài, khi chúng tôi bám theo phát hiện điểm tập kết này có bảng hiệu đề tên Công ty TNHH – SX gạch Tunel An Phượng ở ấp 1, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cách bãi khai thác trái phép khoảng 80km.