Khâm Thiên ngày ấy, bây giờ

HẢI NHI 19/12/2022 07:36

Trong tiếng còi xe huyên náo cũng như sự đổi thay từng ngày trên khu phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội), Đài tưởng niệm Khâm Thiên - nơi nhắc nhớ những người đã ngã xuống đêm 26/12/1972 trong trận ném bom B52 vẫn mang một không khí thâm nghiêm dưới bóng của những cây hoa đại. Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, những câu chuyện của ngày hôm nay cho thấy người dân khu phố Khâm Thiên nỗ lực đứng dậy để có được một Khâm Thiên sầm uất sau 50 năm…

Phố Khâm Thiên ngày nay. Ảnh: Lê Khánh.

Ký ức phố B52

Một trong những minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh là đêm B52 ở khu phố Khâm Thiên. Vào 22h ngày 26/12/1972, Không quân Mỹ đã cho máy bay B52 đến ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên phá hủy 534 ngôi nhà, làm chết 287 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới. Số người bị thương là 290 người; 178 trẻ em bị mồ côi… Để rồi có một lớp người Hà Nội đã quen thuộc gọi phố Khâm Thiên bằng cái tên “phố B52” tới bây giờ.

Là một người dân bình thường, nhiều khi tôi nghĩ, chiến tranh đã lùi xa, lịch sử của cuộc chiến đã khép lại rồi. Giờ chúng ta phải sống cho ngày hôm nay chứ không thể giữ mãi trong lòng nỗi hận thù.

Bà Chu Thị Kỳ

Những ngày đầu tháng 12/2022, Đài tưởng niệm Khâm Thiên đang được tu sửa, từng gốc đại được vun xới, nhà tưởng niệm được sơn lại, cánh cửa thay mới… Nơi đây cũng chính là nền của 3 căn nhà bị xóa sổ (nhà số 47, 49, 51) trong cái đêm kinh hoàng đó. Đài tưởng niệm được xây dựng từ đầu năm 1973. Ở vị trí trang trọng nhất là bức tượng người mẹ bế con trên tay được khắc họa từ hình ảnh thật.

Đứng tại đài tưởng niệm, chợt nhớ trên nền đất này cũng chính là nơi người nhạc sĩ Phú Quang từng sống. Sinh thời, nhiều lần, ông đã kể câu chuyện trong đêm B52, ông cùng chị gái, anh rể kịp thời xuống căn hầm trú bom. Nhưng khi bom đạn ngớt, ra khỏi hầm, ông đã chứng kiến: người thợ cắt tóc mất mẹ, bạn thân bị bức tường gạch đè chết, một người phụ nữ phải đưa tiễn 26 người thân của mình...

Và sự mất mát ấy đã được ông chất chứa trong ca khúc "Em ơi! Hà Nội phố" (sáng tác năm 1986 - phỏng thơ Phan Vũ), sau 36 năm bài thơ "Em ơi! Hà Nội phố" được Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, gửi những người đi xa khi thành phố quê hương đang bị tàn phá khốc liệt.

Với người dân ở khu phố Khâm Thiên, sau nửa thế kỷ, câu chuyện về đêm B52 năm ấy vẫn đượm nỗi buồn thương. Là người dân phố Khâm Thiên, đặc biệt là từng có thời gian giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên, nhắc đến sự kiện ngày 26/12, ông Nguyễn Văn Hòa vẫn luôn khắc khoải. Ông kể: Lúc đó tôi đang học lớp 9, gia đình tôi đi sơ tán ở Yên Mỹ, Hưng Yên. Không hiểu thế nào đêm 26 đó, tôi cứ trằn trọc, không ngủ được. Sáng sớm, tôi đạp xe về nhà, trước mắt tôi cảnh phố khu phố Khâm Thiên thân thương bỗng chốc biến thành nơi chết chóc hoang tàn, nhiều người chết. Tôi và những người xung quanh cầm cuốc, xẻng hay bất cứ thứ gì nhanh chóng đi tìm những căn hầm nơi người dân phố trú ngụ đã bị sập để giải cứu những người còn sống sót.

Dãy phố lẻ ở Khâm Thiên bị tàn phá nặng nề hơn rất nhiều. Nhiều năm sau, người dân khu phố vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhưng gạt nước mắt, đi qua thương đau, những người sống sót tiếp tục dựng lại nhà cửa, dọn dẹp đống đổ nát để bắt đầu một cuộc sống mới, dù công cuộc xây dựng lại khu phố Khâm Thiên cũng thật gian nan.

Có thể vì sự việc đó ập đến quá đột ngột nên đã khắc sâu trong tâm trí một đứa trẻ 5 tuổi là tôi lúc ấy

Ông Đoàn Hải Phong

Ngay trước đài tưởng niệm, chúng tôi gặp ông Đoàn Hải Phong. Ông Phong là người dân phố Khâm Thiên. Đêm B52 xảy ra khi ông 5 tuổi.

“Có thể vì sự việc đó ập đến quá đột ngột nên đã khắc sâu trong tâm trí một đứa trẻ 5 tuổi là tôi lúc ấy. Khi đó nhà tôi ở số 43, một quả bom dội xuống cách nhà chừng 15 mét, sức ép của quả bom làm bật tung hai cánh cửa, nhưng người trong nhà không ai bị thương vong. Gia đình tôi may mắn cả 7 người thoát nạn. Nhà số 45 lúc đó đổ sang phía nhà tôi, nhưng nhà tôi chỉ bị nứt thôi. Còn ngay tại nơi tôi và cô đứng là một quả bom rơi xuống xóa sạch 3 số nhà”, ông Phong nhớ lại.

Được hưởng sự may mắn, nhưng ông Phong không khỏi day dứt bởi nỗi bất hạnh lại rơi xuống những gia đình hàng xóm xung quanh. Nhưng trong chiến tranh, ranh giới giữa may mắn và bất hạnh cũng thật mong manh.

Ông Phong chia sẻ: Sau cuộc ném bom rải thảm, những người hàng xóm bắt đầu dựng lên những căn nhà tạm, lợp bằng giấy dầu. Những nhà bị sập một nửa hoặc nứt vỡ thì sửa chắp vá để cuộc sống tiếp tục… Rồi cả một thời bao cấp khu phố chỉ sống bằng nghề lộn cổ áo sơ mi, sửa chữa quần áo, bơm mực bút bi, vá áo mưa... Giờ thì khu phố khác nhiều rồi, đường sá khang trang, những cửa hàng cửa hiệu may áo dài rộng rãi, nhà cao tầng được xây dựng nhiều. Cuộc sống mưu sinh cũng đỡ vất vả. Chiến tranh đã lùi xa rồi…

Cảnh đổ nát ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) sau những đợt không kích bằng B52 của đế quốc Mỹ tháng 12/1972. Ảnh tư liệu.

Ở lại với Khâm Thiên

Gần đài tưởng niệm, gia đình ông Đinh Ngọc Tuân, nhà số 55 - ngôi nhà giờ đã được xây dựng hiện đại, có cầu thang máy đưa chúng tôi lên phòng khách. Nhớ về thời khắc kinh hoàng 50 năm trước, giọng ông Tuân bùi ngùi: “Đêm đó, nghe tiếng máy bay gầm rú, cha tôi và bà nội vào căn hầm ở gầm cầu thang trú ẩn, ông nội chạy vào hầm phía sau nhà. Sau hàng loạt tiếng nổ vang rền, cả 2 căn hầm đều bị vùi lấp, nhưng ông tôi lại được người ta giải cứu trước, rồi đến bà tôi và cha tôi. Người ta tìm đến hầm ở gầm cầu thang, đào lớp đất vùi lấp cứu được cha tôi ra trước, họ để ở ngoài, rồi đào tiếp đến bà, khi dìu được bà ra, chở bà đi cấp cứu thì không thấy cha đâu nữa. Có lẽ người ta tưởng xác chết nên đã đem cha tôi đi chôn luôn".

Tôi thấy người dân khu phố hết sức nỗ lực vượt qua khó khăn. Bởi tất cả đều do cái khó mà ra, vậy nên phải nỗ lực phấn đấu vượt khó

Ông Đinh Ngọc Tuân

Trong đêm B52, ông Tuân cùng mẹ và 2 người em đang sơ tán ở Ninh Bình. “Lúc đó tôi 7 tuổi, sau Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh, lập tại hòa bình tại Việt Nam (27/1/1973), chúng tôi từ vùng sơ tán Ninh Bình về Hà Nội, nhà vắng cha, phía trong đã sập hết. Ông bà nội và mẹ tôi lại bàn bạc để bắt đầu vực dậy gia đình, làm lại từ đầu. Lúc đó bà nội tôi hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn gánh vác cả gia đình. Nuôi cháu mồ côi, vì các cháu còn bé tí, em trai út mới được khoảng 4 tháng tuổi.

Ông bà tôi xin mở quán cà phê để nuôi con cháu ăn học. Ngày xưa mở quán cà phê không hề đơn giản. Hàng xóm xung quan đây, thời đó ai cũng hoàn cảnh. Gia đình nhà bà Chấn phía sau nhà tôi chồng cũng mất trong đêm B52, để lại 9 người con đang tuổi lớn. Sau trận bom, nhà bà Chấn bị xóa sạch, phải dựng lại cái lều lợp giấy dầu. Ngày đó, mỗi lần sang chơi, tôi chứng kiến bữa ăn chỉ có rổ rau muống và cơm, mà phần đông các gia đình là như vậy, nhưng việc nuôi 9 người con thì không hề dễ dàng. Bà Chấn nhận một vài công việc thủ công về nhà làm kiếm sống qua ngày nuôi con khôn lớn. Giờ bà đã hơn 90 tuổi, không còn minh mẫn nữa, các con của bà đã thành đạt và mỗi người một phương hết rồi, hàng tháng họ chu cấp nuôi mẹ. Các con muốn đón bà về ở cùng nhưng bà Chấn vẫn nhất định chọn ở lại mảnh đất “một thời đạn bom”, dù một mình.

Chia sẻ về người dân nơi đây, ông Tuân bảo: Tôi thấy người dân khu phố hết sức nỗ lực vượt qua khó khăn. Bởi tất cả đều do cái khó mà ra, vậy nên phải nỗ lực phấn đấu vượt khó. Tôi ra đời và thành công sớm trong công việc kinh doanh. Nay tôi đã gần 60 tuổi, tôi bằng lòng với cuộc sống sau nhiều thăng trầm, bởi không biết bao nhiêu là đủ. Vấn đề là điểm dừng của mỗi người. Tôi xây dựng nhà số 55 từ năm 1994, vợ chồng đã có một vài nơi ở khác phù hợp hơn với tuổi về hưu. Nhưng tôi vẫn quyết chọn trú ngụ ở đây tới cuối đời, chứ nhất định không muốn rời xa khu phố.

“Phố Khâm Thiên ngày nay khác xưa rất nhiều, nhà cao tầng mọc lên, nhiều công ty chọn đất này làm trụ sở. Có thời gian Khâm Thiên còn được gọi vui là phố ngân hàng. Bà con sinh sống trên phố đại đa số vẫn là những người buôn bán, kinh doanh nhỏ, có đồng nào họ cũng gửi vào ngân hàng, có lẽ phố Khâm Thiên nhiều ngân hàng là như vậy. Tôi mừng vì bà con có đời sống ngày càng khấm khá”, ông Tuân chia sẻ trong niềm hân hoan.

Sống chan hòa, yêu thương

Vẫn bên dãy phố lẻ, đầu ngõ 73, quán trà đá đơn sơ của bà Chu Thị Kỳ đã đi qua 40 mùa mưa nắng trên con phố Khâm Thiên. Bà chủ quán sinh năm 1940, vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, vồn vã mời khách uống nước. Nhưng khi nghe nhắc tới đêm B52 ngày đó, giọng bà Kỳ chùng xuống. Hồi ức như ùa về trong tiếng còi xe huyên náo, tiếng người lao xao chào hỏi trên vỉa hè: Ở khu phố này rất nhiều hầm trú ẩn, tăng xê cá nhân, như con ngõ này, xưa phía trong là một dãy hầm trú ẩn, nhưng giờ không còn dấu tích của chiến tranh nữa. Nhà cửa mọc lên san sát. Hai dãy phố nhà cửa cũng chen chúc, hiện đại, chỉ còn vài căn nhà cũ thời Pháp là gợi nhớ phố Khâm Thiên ngày xưa thôi.

…Ngày đó bà Kỳ 32 tuổi, là công nhân ở Xí nghiệp Thảm len xuất khẩu Nam Đồng. Trận B52 nhà số 73 nơi bà ở chỉ bị bay một nửa mái nhà lợp bằng tôn. Gia đình bà may mắn không có ai mất vì trẻ con và người già kịp đi sơ tán, hôm đó bà và chồng về nhà bên Nam Đồng (cách phố Khâm Thiên khoảng 2 km). Bà nhớ lại: Ngay đêm hôm đó, nghe ầm ầm, mọi người chui hết xuống hầm, đến khi ngừng bắn thì chồng tôi và tôi về ngay. Trước mắt chúng tôi là khu phố tối đen, người chết, người nọ chồng lên người kia. Thương lắm!

Ám ảnh bởi khu phố Khâm Thiên chìm trong đau thương ngày đó, nhưng bà Kỳ cũng không thể nào quên được, trước đó là trận ném bom ở Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó, mẹ chồng bà bệnh nặng phải đi cấp cứu, vào đến bệnh viện thì mẹ chồng bà mất vì áp huyết. “Khi đưa bà vào nhà xác, tôi thấy hàng loạt những chiếc lồng bàn lớn đậy những người vừa chết bom, chết đạn trên mỗi chiếc ghế bằng đá xếp những dãy dài. Không thể nào tưởng tượng được, tôi chỉ biết nhắm mắt lại, giờ nghĩ lại vẫn còn hoảng”, bà Kỳ kể, mắt rưng rưng.

Chứng kiến những mất mát đau thương, cũng như đang sống trong sự đổi thay từng ngày trên con phố khi chiến tranh đã lùi xa, đặc biệt bà Kỳ được tận mắt thấy Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dưới thời Nixon ném bom Hà Nội cũng đã tới cúi đầu trước Đài tưởng niệm Khâm Thiên.

“Là một người dân bình thường, nhiều khi tôi nghĩ, chiến tranh đã lùi xa, lịch sử của cuộc chiến đã khép lại rồi. Giờ chúng ta phải sống cho ngày hôm nay chứ không thể giữ mãi trong lòng nỗi hận thù. Tôi xem kinh nhà Phật, kinh Phật rằng sống trên đời không nên đánh nhau, không nên thù oán. Phật muốn răn dạy con người sống với nhau không nên hận thù, mà phải biết bỏ qua để sống trong sự chan hòa, yêu thương”, bà Kỳ bày tỏ.

Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ảnh: Phương Lan.

Đài tưởng niệm được xây dựng từ đầu năm 1973. Ở vị trí trang trọng nhất là bức tượng người mẹ bế con trên tay được khắc họa từ hình ảnh thật. Nhiều người trong đợt giải cứu phố Khâm Thiên đã kể lại cho nhau nghe về hình ảnh hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. Người con bé bỏng, tuy không còn sống nhưng vẫn bám chặt vào mẹ. Dù đã được kể đi kể lại không biết bao lần, nhưng câu chuyện vẫn dâng lên một nỗi nghẹn ngào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khâm Thiên ngày ấy, bây giờ